Lò vi ba biến tần
Công nghệ biến tần (thay đổi tần số) giúp cho thức ăn chín đều hơn. Các lò mới cũng kết hợp hơi nước vào lò biến tần để thức ăn không bị "xấu" đi khi nấu vì mất nước bề mặt.
Khi dùng lò vi ba để nấu, hâm thức ăn, nếu chọn mức công suất thấp, nhiều chỗ bên trong đĩa thức ăn, miếng thịt…vẫn không nóng, thậm chí không chín. Trong khi đó một số vị trí khác ở mặt ngoài thức ăn lại quá chín.
Vì sao cần lò biến tần
Nhược điểm này được giải thích như sau: Các loại lò vi ba thông thường chỉ sử dụng năng lượng ở một mức tối đa. Vì vậy, khi điều chỉnh công suất hoạt động của lò ở mức thấp, ví dụ, khi đặt công suất 60%, lò sẽ phát sóng vi ba theo nhiều chu kỳ và cứ mỗi chu kỳ sóng được phát ra trong 60% thời gian, và ngưng phát trong khoảng thời gian còn lại. Việc cung cấp năng lượng ngắt quãng như thế sẽ làm cho nhiều chỗ trên thức ăn còn lạnh trong khi ở các cạnh thì bị quá chín.
Chính vì nhược điểm đó, người ta đã nghiên cứu ra công nghệ biến tần cho lò viba (Inverter). Với công nghệ này, lò thực sự phát vi ba ở mức năng lượng thấp, mức trung bình và mức cao một cách liên tục. Nhằm cho nhiệt lượng vi ba lan truyền liên tục vào thức ăn, tránh tình trạng mặt ngoài và cạnh thức ăn bị quá chín, cho phép nấu thức ăn chín đều hơn lò thông thường.
Cấu tạo của lò vi ba biến tần cũng tương tự như lò thông thường. Chỉ khác một điều, nhà sản xuất đã thay bộ biến áp và tụ điện của lò thông thường bằng mạch biến tần.
Theo tài liệu kỹ thuật, công nghệ biến tần nâng cao hiệu suất điện năng, nấu và hâm thức ăn nhanh hơn. Bởi vì, như cách giải thích của bộ phận kỹ thuật hãng Panasonic, đơn vị có sản phẩm lò vi ba biến tần trên thị trường, thì khi sử dụng công nghệ biến tần, công suất ổn định liên tục và hiệu suất sử dụng điện năng lên tới 80%. Trong khi đó sử dụng công nghệ ngưng-phát với bộ biến áp và tụ điện thì hiệu suất này chỉ khoảng 70%.
Hầu như mọi lò vi ba chỉ có thể phát công suất liên tục khi chọn chế độ phát ở mức High (cao). Các chế độ phát khác chỉ thực hiện được bằng cách ngắt quãng vi ba. Lò vi ba biến tần lại cung cấp một mức phát đều đặn liên tục ngay cả khi chọn mức trung bình hoặc mức thấp, kết quả là tăng hiệu suất và làm nhiệt lượng phân bố đồng đều.
Điều mà người ta nhắm đến khi áp dụng công nghệ biến tần là khi nấu hay hâm, thức ăn chín đều, giữ được dinh dưỡng và hương vị. Ngoài ra, do lò viba biến tần không dùng đĩa xoay mà thức ăn được đặt cố định vì sóng vi ba được phát từ phần đáy lò và dùng ống dẫn đảo hướng phát sóng nên không cần phải xoay thức ăn khi nấu. Nhờ vậy khoang chứa cũng rộng hơn. Bảng mạch biến tần thay cho biến áp và tụ điện cũng làm lò nhẹ hơn từ 3kg trở lên so với loại cùng kích thước.
Biến tần kết hợp hơi nước
Cũng với biến tần, người ta kết hợp với chế độ phun hơi nước-hơi nước được cho vào một chiếc khay nhỏ để tự động phun vào bên trong lò khi nấu-nhằm khắc phục nhược điểm thức ăn khi nấu, hâm bị khô, dúm dó ở mặt ngoài do nước ở phần này bị mất đi vì bốc hơi.
Thực ra, để khắc phục điều này, có thể dùng phương pháp "trùm mền" – nghĩa là dùng một miếng ni lông hoặc vải mỏng nhúng nước và trùm lên thức ăn để hạn chế thoát nước. Việc trùm ni lông có thể dẫn đến hiện tượng "bung" phần mặt của một số loại thực phẩm do hơi nước bên trong thoát ra quá nhanh.
Dù dùng lò vi ba công nghệ ngưng phát, hay biến tần thì cũng cần chú ý tới những chức năng cộng thêm của lò viba. Hiện tại các loại lò có chức năng nướng, rã đông khá phổ biến. Khi chọn lò có chức năng nướng, cần ý thức một điều đây chỉ là chức năng phụ. Thực phẩm nướng bằng chức năng nướng của lò vi ba không thể ngon bằng nướng với lò chuyên nghiệp hoặc bằng lửa than. Đôi khi chúng chỉ có nhiệm vụ làm cho thức ăn khô đi và giòn hơn mà thôi.
Riêng chức năng rã đông sẽ giúp cho thực phẩm rã đông được triệt để hơn, tảng thịt, cá và các loại thực phẩm rã đông bằng lò vi ba sẽ mềm cả bên trong lẫn bên ngoài.