-Nhật Bản quy định những hành vi tải nhạc, hình ảnh, phim, video, trò chơi, phần mềm có bản quyền trên Internet về máy tính của người thuộc phạm vi xét xử của Bộ luật hình sự.
-Tuy nhiên, xem video không có bản quyền trên Youtube không phải là một hành vi bất hợp pháp, bởi đây được coi là việc “xem trực tiếp” chứ không phải “tải về máy tính” của người dùng.
-Hệ quả của việc sửa đổi sẽ dẫn tới tình trạng Chính phủ kiểm soát quá chặt chẽ nội dung trên Internet và khiến Nhật Bản trở thành một Trung Quốc thứ hai, với mạng lưới “tường lửa” kiểm soát dày đặc.
-Hacker Anonymous cũng phản ứng gay gắt trước việc thi hành dự luật này.
Luật bản quyền sửa đổi và những e ngại

Cuối tháng 6 vừa qua, Nhật Bản đã chính thức thông qua Luật bản quyền sửa đổi; lần đầu tiên quy định những hành vi tải nhạc, hình ảnh, phim, video, trò chơi, phần mềm có bản quyền trên Internet về máy tính của người thuộc phạm vi xét xử của Bộ luật hình sự. Người vi phạm luật này có thể phải chịu mức phạt tù giam tối đa là hai năm, và đi kèm với đó là một khoản tiền bồi thường lên tới 2 triệu yên. Đạo luật này sẽ có hiệu lực vào tháng 10 tới đây.

Chi tiết hơn, Luật bản quyền sửa đổi áp dụng với những cá nhân, tổ chức bị phát hiện có hành vi tải về những nội dung như nhạc, phim, ảnh, games….có bản quyền trên Internet. Luật này cũng nghiêm cấm hành vi sao chép các nội dung này ra các đĩa DVD hoặc Blu-Ray, bất chấp việc các đĩa này được đưa ra thị trường với mục đích bán hay cho thuê.


Đây được coi như một bước tiến lớn của luật pháp Nhật Bản bởi trước đây, chỉ những cá nhân xuất bản nội dung bản quyền một cách bất hợp pháp lên mạng thì mới rơi vào "tầm ngắm" của pháp luật với mức phạt tù lên tới 10 năm và phạt tiền 10 triệu yên. Còn việc tải nhạc có bản quyền cũng bị coi là hành động bất hợp pháp từ cách đây 3 năm, nhưng chỉ được xếp vào tội dân sự. Với thay đổi lớn này, chính quyền Nhật Bản đã chứng tỏ thêm sự mạnh tay, cứng rắn của mình đối với những đối tượng có hành vi sử dụng "chùa" hay trục lợi từ các nội dung bản quyền trên Internet; đồng thời đưa đất nước mặt trời mọc đứng cùng hàng ngũ với Mỹ, trở thành một trong những quốc gia nghiêm khắc nhất trong việc xử lí các hành vi vi phạm bản quyền trên Internet.

Mỹ và Nhật Bản cũng chính là hai quốc gia đầu tiên kí kết vào bản Hiệp định thương mại ngăn chặn hành vi xâm phạm bản quyền mạng ACTA vào năm 2006. Vào ngày 4/7 vừa qua, sau một thời gian được đưa ra thảo luận, Nghị viện Châu Âu đã chính thức “khai tử” đạo luật còn gây tranh cãi này; nhưng những quốc gia khác ngoài khu vực Châu Âu trong đó có Mỹ và Nhật Bản vẫn dự kiến tiếp tục theo đuổi bản Hiệp định.

Với bản dự luật mới này, ngành công nghiệp, giải trí và nội dung mạng tỏ vẻ hoan nghênh, ủng hộ nhiệt tình; song không ít người lo ngại rằng những từ ngữ không rõ ràng trong luật có thể sẽ gây ra những vụ kiện tụng, xét xử không công bằng mà ai cũng biết rằng “kẻ mạnh sẽ là kẻ chiến thắng”.


Bên cạnh đó, một câu hỏi khác cũng được đặt ra là cách để nhà chức trách Nhật Bản xác định những nội dung nào trong “bể thông tin” vô tận trên Internet là những nội dung thuộc sở hữu hợp pháp của một cá nhân/tổ chức nào đó; những nội dung nào thì không? Đây là một việc làm không đơn giản. Ông Takeshi Ikkanda, một quan chức tại Bộ Văn hóa phụ trách việc giám sát bản quyền thừa nhận rằng rất khó khăn để nói rằng một nội dung được tải xuống từ Internet có thuộc sở hữu hợp pháp của ai hay không.

Trên thực tế, Hiệp hội công nghiệp ghi âm Nhật Bản (RIAJ) đã công bố con dấu phê duyệt “L Mark”, cho phép chủ các trang web hay nhà khai thác nội dung “đánh dấu” quyền sở hữu hợp pháp với nội dung của mình. Nhờ đặc điểm nhận dạng này, người dùng Internet có thể biết rõ rằng nội dung mình sắp tải xuống có phải là nội dung bản quyền hay không để không “hồn nhiên” phạm luật vì thiếu hiểu biết. Tuy nhiên, theo nhiều người, RIAJ lại công bố sự tồn tại của con dấu này một cách âm thầm; do vậy nhiều người dùng vẫn chưa thể biết cách xác định tính hợp pháp của các nội dung mạng.

Một mối lo ngại khác cũng được đặt ra: Liệu việc người dùng xem thông tin trực tiếp trên mạng, đặc biệt là những nội dung vi phạm bản quyền trên các trang chia sẻ lớn như Youtube, Vimeo…có thể bị khởi tố hay không? Theo trang Japantimes, đáng mừng khi đây không phải là một hành vi bất hợp pháp, bởi đây được coi là việc “xem trực tiếp” chứ không phải “tải về máy tính” của người dùng; tức là một em nhỏ hoàn toàn vẫn có thể xem trực tiếp bộ phim “Doraemon” trên Youtube, kể cả khi người tải phim lên không có quyền sở hữu hợp pháp đối với bộ phim này.

Theo ông Kensaku Fukui, một Luật sư, đồng thời cũng là chuyên gia trong lĩnh vực bản quyền mạng, một điều cần chú ý ở đây đó là khi một người dùng xem nội dung trên Youtube hay các trang chia sẻ video khác, trình duyệt của máy tính sẽ lưu trữ các nội dung này trong một bộ nhớ cache và hoạt động này có thể được coi như là hành vi “tải về” (và vẫn phạm luật). Nhưng luật pháp không giải thích rõ như thế này, do đó, trên thực tế, người dùng vẫn có thể “lách luật”. Người dùng các dịch vụ như Youtube, Vimeo…tại Nhật sẽ chỉ bị xử lí khi họ cố tình sử dụng các công cụ hỗ trợ download như Internet Download Manager, Youtube Download HD… để tải về máy tính những nội dung này; và theo Fukui, hành động này không chỉ vi phạm luật bản quyền của Nhật Bản mà còn vi phạm các điều khoản dịch vụ của Youtube.


Phản ứng của người dân

Các nhà phê bình cho biết hệ quả của việc sửa đổi sẽ dẫn tới tình trạng Chính phủ kiểm soát quá chặt chẽ nội dung trên Internet và sớm muộn gì cũng sẽ khiến Nhật Bản trở thành một Trung Quốc thứ hai, với mạng lưới “tường lửa” kiểm soát dày đặc. Họ cũng cho biết thêm rằng, việc sửa đổi cũng sẽ chẳng giải quyết được những vấn đề mà ngành công nghiệp âm nhạc đang phải đối mặt (trong năm 2010, thiệt hại gần 700 tỉ yên). Daisuke Tsuda, một nhà báo nổi tiếng cho biết vào tháng trước rằng cách duy nhất để bảo vệ ngành công nghiệp âm nhạc là tăng ngân sách của chính phủ cho ngành văn hóa. Ngân sách Nhật Bản dành cho văn hóa chỉ vào khoảng 100 tỷ yên – nhỏ hơn rất nhiều so với các quốc gia khác, đặc biệt là Hàn Quốc.


Khi sửa đổi luật này, Nhật Bản cũng bị đưa vào tầm ngắm của nhóm hacker lừng danh Anonymous. Trong một tuyên bố đưa ra hôm 25/6, Anonymous cho biết “Anonymous tin tưởng rằng dự luật này sẽ dẫn tới tình trạng đáng buồn là nhiều người dân vô tội rơi vào vòng lao lí chỉ vì thiếu hiểu biết; trong khi vấn đề vi phạm bản quyền mạng lại không hề được giải quyết triệt để. Thực chất, dự luật này sẽ giám sát mọi hành vi của người dùng Internet và đây chẳng khác nào một hình thức vi phạm quyền riêng tư của công dân mạng cả”. Hôm 28/6, Anonymous đã ra tay “hành động” để phản ứng lại bộ luật này thông qua việc tấn công từ chối dịch vụ (DDos) vào hàng loạt website của các Đảng, Bộ trong Chính phủ cũng như Tòa án Tối cao Nhật Bản. Đến ngày 7/7, tại Tokyo, khoảng 80 thành viên của nhóm tin tặc này cũng đã xuống đường tham gia vào cuộc tuần hành và… tổng vệ sinh phản đối việc ban hành dự luật này.


Hầu hết, người dân Nhật Bản đều e ngại rằng khi luật được chính thức áp dụng vào tháng 10 tới đây, họ sẽ rất khó khăn khi tiếp cận tới nguồn thông tin vô tận trên Internet. Tuy nhiên, theo phân tích của nhiều chuyên gia về luật pháp, truyền thông đang “quan trọng hóa vấn đề” khi mà dự luật sửa đổi này không đáng để lo ngại.

P/s: Giờ làm sao đây,Manga,Anime,Doraemon.... làm sao đây