Câu chuyện thứ 16: TRẢ NGHĨA

Theo nhiều quan điểm thì cõi âm là có thật. Cõi âm không có nghĩa là địa ngục, hay một nơi tối tăm u uất nào đó. Đối với những con người sống ven bờ đê sông Hồng, cõi âm ở ngay bên cạnh. Người âm luôn ở gần người sống, có điều thấy được hay không cần phải là người có Căn. Khoa học cũng như rất nhiều người cố bỏ công nghiên cứu, xâu chuỗi các hiện tượng, cố đưa ra lời giải thích hợp lý nhất về ma, quỷ, hay nói cách khác là người âm. Thế nhưng chẳng bao giờ có cách tư duy nào làm được chuyện đấy cả. Người chết luôn hiện hữu bên cạnh người sống, và đi theo những ai được cho là Hợp Vía.
Bà em là người có Căn.
Bà em bảo, có Căn có nghĩa là có âm khí trong người. Khi dương khí mạnh thì tự chủ được, còn gọi là nặng vía, nhưng nếu vì nguyên nhân nào đó, phần âm trong người lớn hơn thì ắt sẽ gặp những điều quái dị. Năm 2009, khí âm đổi chiều, và cũng là năm nhà em xảy ra nhiều chuyện kì dị nhất; bà em lẳng lặng lên chùa lễ lạt nhiều hơn. Trong nhà lúc nào cũng có tiếng tụng kinh gõ mõ, nếu không phải do bà tụng, thì cũng bật băng đài. Tiếng Nam mô a di đà phật, Nam mô a di đà phật cứ đều đều, từng chập từng chập quanh nhà.
Năm đấy bà em ốm. 2 cái đầu gối không hiểu sao cứ đau buốt dại đi. Mẹ em đưa bà đi nằm viện nửa tháng thấy đỡ rõ rệt. Thế nhưng về đến nhà thì lại đau như cũ. Bà em đi lại có điều khó khăn hơn trước, tập tễnh, và chẳng thể ngồi xổm được. Thời gian nằm viện, bà em dặn cậu mợ ở nhà nhớ bật cái băng tụng kinh di đà hằng ngày, chớ có quên, và phải chú ý để hướng cái loa ra phía vườn sau...
Bà em đi viện tất cả là 16 ngày. Lúc về, cái chân bị đau lại, bà đâm ra cau có, thế nhưng cũng chẳng tỏ thái độ thay đổi gì, ngoài những lúc cố nén tiếng thở dài thườn thượt... Năm đấy cậu C. bị tai nạn và cũng là lúc con chó đá chuyển lên vườn sau nhà bà. Nó ở đấy vì nguyên nhân gì, hay do ai chuyển đến, bà em cũng chẳng giải thích, chỉ bảo không phải là bà mà thôi.
Trở lại chuyện sau đêm ăn trộm mò vào nhà cậu C, thái độ cậu đột nhiên phấn chấn hẳn. Cả nhà thấy cậu vui vẻ, lại ăn ngủ tốt, lại đi lại dễ dàng hơn trước nên cũng chẳng hỏi nhiều. Riêng chuyện cái ngón tay ở đâu ra và bây giờ ở chỗ nào thì cậu em giữ kín, tuyệt nhiên chẳng kể cho ai. Chỉ thấy cậu D tỏ ra băn khoăn lắm.
Tối đấy nhà ngoại em mất điện, mọi người lại ra sân nhà cậu D hóng mát. Đem chuyện cái ngón tay ra nói thì cậu D. tự nhiên trầm hẳn. Cậu em bảo đấy là cái ngón tay của thằng Bột câm....
Cái ngày thằng Bột câm bị làng bắt, 2 cậu em đang chơi ngoài bờ đê. Thấy làng có chuyện, theo đám trẻ con chạy về hóng. Cậu D kể, cậu C. nhỏ con hơn nên lách vào trước, đến khi cậu chen lên được, cũng là lúc thằng Bột bị bổ con dao vào đầu, mắt nó trào máu, nhìn đăm đăm vào cậu C. mà ú ớ không kêu được câu nào... Người làng chém chết thằng Bột xong, vứt xác nó ở gốc tre đầu đường lớn mà bỏ đi gọi bố nó. Cậu D cũng theo đám trẻ con chạy đi, phần vì hóng hớt, phần vì cũng kinh hãi chẳng dám nhìn vào cái xác bị bửa đôi đầu. Thế nhưng chẳng thấy cậu C đâu cả. Lúc cậu em quay về tìm, thì chỗ cũ chỉ còn cái xác thằng Bột, nằm úp vào gốc tre, máu hòa với cái chất lỏng nhầy nhầy chảy ra từ đầu và bàn tay nó lênh láng. Cậu em sợ quá chạy về nhà.
Đến tối muộn thì cậu C. về. Bà với cậu D. hỏi gì cũng chẳng nói. Một lúc sau thấy lôi từ đằng sau ra một cái bọc, ngón tay thằng Bột câm !
Cậu C bảo, lúc mọi người chạy đi, cậu em chỉ thấy thương xót nó, mà tuyệt nhiên chẳng sợ sệt gì. Đầu óc tự nhiên mơ hồ, thấy bàn tay thằng Bột câm chỉ vào bụi cỏ bên cạnh... Cậu em chạy ra thì tìm thấy cái ngón tay, chẳng hiểu sao đem gói lại rồi ra bờ sông ngồi.
Bà em sợ quá, bắt cậu đem trả cho thằng Bột, nhưng xác nó đã theo bố chìm xuống sông. Cậu em đem chôn cái ngón tay cạnh gốc hồng bì trong vườn sau nhà bà...
Mọi người nhà em nghe cậu D kể mà đâm ra kinh hãi.
Cậu D. kể xong càng tỏ ra đăm chiêu, đứng dậy chửi đỏng "ĐM, để tao xem mày là thần thánh phương nào", rồi bỏ vào bếp lấy cái chép, cầm đèn pin phăm phăm đi ra chỗ trồng cây hồng bì năm xưa. Mọi người bảo 40 năm rồi, bao mùa nước lên, nước rút, cây hồng bì cũng đã chặt rất lâu, làm gì còn gì mà đào với bới.
Thế nhưng cậu D. vẫn hằm hằm đi ra chỗ vườn bà, rọi đèn vào đoạn chỗ gốc cây ngày trước mà đào lấy đào để. Đào rộng sang cả hai bên, miệng cậu không ngớt chửi rủa, khóe mép sùi bọt như bị dại. Mợ L sợ lắm, chạy vào van xin và giật cái chép ra. Cậu em chẳng nói gì, gạt mọi người ra rồi gầm lên "Đứa nào bước vào đây tao chém chết hết!" Cái chép vung loang loáng, mặt cậu em dại đi dưới ánh đèn pin.
Đột nhiên thấy bà em đứng ở cửa phòng, gọi giật tên cậu, rồi sấn sổ đi đến ôm chặt ngang hông. Được một lúc thì cậu em đờ đẫn đi rồi bình tĩnh lại. Bà em bảo mọi người lên hết phòng khách nhà cậu C có chuyện cần nói...
Cậu C. đang ngồi trầm ngâm hút thuốc. Lúc này cậu em mới kể.
Đêm hôm đấy, lúc con Linh ré lên, cậu em cũng giật mình thức dậy. Lúc sau có người đen sì mở cửa phòng cậu mà đi thẳng đến giường, chìa ra cái gói. Lúc đến gần, trong bóng tối mờ mờ, cậu em thấy vết chém sâu trên mặt, làm cái đầu hơi tách ra, kinh hoàng nhận ra thằng Bột! Thằng Bột nhìn cậu 1 lúc, rồi chẳng hiểu sao cất tiếng nói "Nhà mày có 2 ác linh" Cái vết chém dao trên đầu cứ kêu tong tỏng. "Có con chó thành tinh ngoài vườn, nó muốn giết mẹ con nhà mày"
"Đừng chôn nữa, cầm lên mà yểm"
Rồi nó biến vụt đi mất. Lúc đấy mọi người mới ập vào.
Từ hồi bà đem cái ngón tay đi, tiếng lục đục cũng hết, nhưng cũng chẳng có ai dám mò lên nữa.
Chỉ còn cái ác linh thứ 2...

Câu chuyện thứ 17: CÁI GIẾNG

Hầu như làng quê nào ở miền Bắc cũng có một con sông của riêng mình. Cũng như vậy, dân làng Bắc Biên trăm đời nay sống chung với những đợt nước lên xuống đều đặn của sông Hồng. Con sông chở cho làng em nguồn sống, và cả những xác người chết trôi trương phềnh mỗi đợt lũ về. Cái khúc sông đấy, ngay bản thân nó cũng chứa đựng những thứ kỳ dị. Dù những con nước đấy có cướp đi bao mạng người làng em, nhưng họ cũng không hề vì thế mà oán trách, chỉ cố tránh xa nước sông vào những giờ nhất định trong ngày...
Như mọi vùng quê khác, nhà nào cũng có một cái giếng; phần vì để lấy nước cho tiện, phần cũng hạn chế ra sông vào những giờ bất khả kháng. Cái sản nghiệp bên ngoại em là do cụ xây. Cụ em làm cho chế độ cũ, nên cũng vì thế nhà xây theo kiểu phương tây. Cụ bảo ăn nước giếng không sạch, bảo người xây một cái bể nước mưa to đùng trong vườn.
Năm ông ngoại lấy bà em, nhờ bạn bè trong làng cùng đào cái giếng. Cái giếng ở mảnh sân nhỏ dưới chân cầu thang nhà cậu D., cạnh cái chuồng chó, đối diện cửa ra vườn sau. Chẳng biết ông đào thế nào mà quanh năm, dù nước lên hay xuống, mưa to hay hạn hán thì mực nước trong giếng vẫn không thay đổi. Cứ lưng lửng ở giữa, chẳng đầy hơn mà cũng chẳng vơi đi bao giờ. Nước trong giếng cũng lạ, lấy nước ở sông mà múc lên gầu nào gầu nấy trong vắt, chẳng có tí gợn đỏ phù sa. Cả nhà lấy thế làm mừng lắm, chỉ có ông ngoại em thỉnh thoảng nén tiếng thở dài, và chẳng tỏ ra vui thú gì cả.
Người chết luôn sống chung với người sống. Họ đi cùng, ngồi cùng, đôi khi là nhìn chằm chằm vào người sống gây ra cảm giác rùng mình hay đột nhiên nổi da gà. Bà em bảo, những nơi thê thảm, chứa đựng ít linh khí của đất trời thường là nơi hồn ma bóng quế tụ tập. Đối với làng em, chỗ đấy không phải bãi tha ma, mà là đoạn bờ sông nơi chôn những cái xác thối rữa trôi về làng mỗi đợt nước lên.
"Đất có Thổ công, sông có Hà bá". Khu đất nào cũng có thần linh trấn yểm, và cả vía của những người sống trên đó nữa.
Ông em đào xong cái giếng trong vườn được 5 năm, năm 62 bà ngoại em sinh cậu C, trong làng có đứa chết đuối. Hồi đấy vườn rộng, trồng nhiều cây trái, lại rào thưa nên trẻ con hay sang nhà ông bà em bẻ trộm chuối, khế hay chơi trốn tìm ngoài bờ tre. Thằng bé cùng làng mò vào trốn, giữa trưa nắng, chẳng hiểu đi đứng thế nào mà lộn cổ xuống giếng nhà em. Đến tối mẹ nó đi tìm, khóc lóc thảm thiết, cả làng đổ ra sông mò. Mò đến trưa hôm sau vẫn không thấy... Lúc này mới vào nhà em múc nước rửa chân, cái gầu rơi xuống đập cộp vào đầu thằng bé. Xác nó vớt lên, làng giữ chặt không cho mẹ nó vào gần. Đấy là thông tục của dân chài lưới. Phàm người chết đường chết chợ, đặc biệt là chết trôi sông, thì phải táng ở ngoài đường, cấm không cho mẹ đến gần. Giữ được một lúc thì bà mẹ nó vùng ra được, chạy lại ôm xác con. Bất chợt thằng bé co giật mạnh, từ các lỗ trên mặt nó, miệng, tai, mũi, và 2 hốc mắt, máu tươi chảy ra thành dòng, hòa với nước rơi lại vào giếng nhà em tong tỏng...
Táng xong thằng bé đấy, trẻ con cũng chẳng mò sang vườn nhà ông bà ngoại em chơi nữa. Và cũng từ đấy sinh lắm chuyện quái dị. Đợt đấy nhà chẳng dám dùng nước giếng nữa, chuyển sang dùng nước mưa ở cái bể to. Cái bể to nằm ở gần sân sau nhà cậu D bây giờ, muốn ra phải đi qua cái giếng. Bà em bảo, vào những đêm sáng trăng, chỗ cái giếng hay có tiếng trẻ con than khóc, rồi tiếng kêu cứu thất thanh. Thế nhưng chẳng ai dám ra xem thế nào cả... 3 tháng sau, ông em nhờ thầy trong làng đến cúng, cúng 3 hôm liền, từ đấy cái giếng không còn tiếng ai oán nữa. Ông em đem miếng gỗ to mà đậy lại.
Bẵng đi một thời gian, con cháu chẳng để ý, ông bà cũng chẳng nhắc, chẳng hiểu ai bỏ cái nắp ra, cả nhà lại múc nước dùng bình thường.
Năm 2004, cái giếng đột nhiên trào nước xối xả, nước phù sa đỏ lòm như máu, loang khắp sân. Đến ngày hôm sau thì hết, nhưng mực nước cứ giữ xâm xấp ở miệng, dù trời nắng to...
Trong quan niệm của nhiều người, động thổ nghĩa là động vào vong, và động vào thổ địa. Đất mang khí âm, nước sông mang khí âm. Đem khoét một lỗ sâu trên mặt đất mà cho âm quyện với âm, cái giếng chẳng khác nào đường đi tắt của vong vào đất người sống. Chuyện này vốn dĩ chẳng hay ho với bất cứ gia đình nào, đặc biệt là với những người mang nợ với Hà bá..
Có một điều bà em dặn đi dặn lại khi anh em em còn nhỏ:
"Đi ra ngoài thì mở cửa phòng thật to, còn khi vào phòng phải đóng cửa thật kín"
2004 là năm con Linh bị ma dụ và theo về nhà, cũng là năm bà em bắt đầu đưa con chó đá vào để trong vườn. Hai hốc mắt nó phẳng lỳ, lạnh lẽo, chẳng hiểu do cố tình xoay đặt hay không mà hướng thẳng ra phía cái giếng cổ năm xưa.
Người ta bảo chết trẻ thiêng lắm, nhưng cũng dễ hóa giải. Cái vong thằng trẻ con năm xưa sau đợt cúng 3 hôm đã không còn nữa. Thế nhưng chỗ cái giếng vẫn thỉnh thoảng vang lên tiếng u u, như tiếng gió đập vào 2 bên thành, rợn tóc gáy. Từ hồi cậu D. chuyển cái chuồng chó về gần đấy, 2 con chó chẳng cắn đêm nữa. Mỗi tối xích nhốt vào chuồng chúng nó lại trở nên khó bảo, lồng lộn hay giãy đạp loạn xạ. Cái hôm con Linh bị ma theo về, chỗ cái giếng cổ vẫn im lặng như tờ....
Trở lại chuyện 2 con chó bà em nuôi năm cậu mợ D đẻ con Linh.
Cái đêm mợ L đẻ, trong làng có con chó mẹ cũng sinh ra một lứa chỉ 2 con chó con. Bà em thích lắm, xin cả 2 con về nuôi, đặt tên là Tin và Mic. Lúc bà em sang xin chó, mặt bà bạn tỏ ra kì lạ, nhưng cũng ậm ừ cho qua chuyện. Bà em bảo 2 con này bằng tuổi con Linh, coi như là bạn nối khố. Càng sống lâu 2 con càng tỏ ra trái tính trái nết. Con Tin vui vẻ, hoạt bát bao nhiêu thì con Mic lại tỏ ra lầm lỳ, lúc nào cũng gầm gừ trong cuống họng, mắt vằn đỏ liếc nhìn xung quanh...
Buổi sáng hôm mộ con Tin bị đào mất, bà em chết lặng.... Bà em đứng rất lâu cạnh cái mộ chó trong vườn sau nhà cậu D, mặt bần thần tím tái. Đến trưa thì mời sư thầy đến nhà. Sư thầy đến nhà em, ra cái mộ chó, bất chợt tay lần tràng hạt mà như nói bâng quơ "Nhà bà xưa nay chỉ nuôi 1 con chó, không có con thứ hai" Sư bảo giờ đem lấp cái hố đi, nhưng đừng lấy đất bờ sông ở khu này.
Thế nhưng cậu D. chẳng quan tâm.
Đợi bà với sư vào nhà, cậu em đem đất 2 bên mà lấp hố lại cho đỡ mất công.
Cái khoanh đất 3 năm sau vẫn còn nâu mới roi rói.....
3 ngày sau khi lấp, có chó lạ xuất hiện trong vườn nhà bà em. Bọn này chỉ đến lúc nửa đêm, gào lên ăng ẳng, chạy lạo xạo ngoài vườn nhưng tuyệt nhiên mấy con chó nhà các cậu không sủa lại tiếng nào.
"Gấuuuuuuuuuuu"
3 đêm liền nó sủa ngoài vườn nhà bà, sát bờ bãi ra sông. Tiếng nó cứ to rồi nhỏ dần, như chó sói tru. Rồi tiếng rít và tiếng cắn 2 hàm răng vào với nhau cồm cộp càng lúc càng sát vách nhà bà em.
Đến hôm thứ 3 thì người nhà em mới dám ra đoạn đấy ngó. Cái chỗ bờ tre gần đấy đặc dấu chân chó quấn lấy nhau. Cứ thế xa dần vườn mà ra đoạn bờ tre. Đến gốc tre thì dừng hẳn lại. Cậu D. thấy lạ đem xẻng ra xúc... Được một quãng thì kinh hãi nhận ra, dưới gốc tre ngoài bờ sông là xác con Tin và con Mic. Con Mic đầu vẫn đội nón, nhưng mồm ngoạm chặt lấy cổ con Tin, trào máu đen sì chỗ kẽ răng........
Bà ngoại em bảo cậu đem xác 2 con mà đốt đi, rồi lấy tro trộn vào đất sét đắp lại chỗ bờ tre như trước. Từ đấy tiếng con chó lạ cũng chẳng còn.
Cái năm 2004, nước giếng phun lên đỏ lòm, con Linh 2 lần bị ma dụ, cả nhà hoang mang lắm. Sau đợt đấy thấy bà em hay xách bị ra sông từ lúc sáng sớm. 10 ngày liên tục, rồi bà chẳng ra nữa, chỉ thấy đặt con chó đá ở góc vườn sau nhà cậu D. Con chó đá không có hốc mắt.
Rồi lại mời sư sang trấn yểm. Nhìn thấy bãi đất nâu tươi chôn con Tin năm xưa, sư chỉ thẳng mặt cậu em mà mắng nhiều lắm. Ngày hôm đấy sư không về chùa, ở lì lại chỗ vườn sau mà tụng với bà em.
Sáng hôm sau sư gọi cậu em ra, mặt rầu rĩ mà rằng
"Mẹ cháu xưa nay nuôi nhầm con chó độc, chỉ nuôi 1 con mà ngỡ như 2. Con chó độc này luôn tỏ ra hoạt bát, mạnh khỏe, nhưng lúc nào nó cũng muốn tìm cơ hội mà giết mẹ con cháu. Nhà cháu có cái tinh ngựa đánh trận khôn lắm, nhờ vía nó canh mà con kia chưa làm hại được ai"
Nay bà ngoại em đem chỗ đất sét trộn tro 2 con lúc trước nhét vào khối đá, đúc thành hình con chó đem đặt yểm ở vườn nhà để tránh nó chạy trốn ra sông. Lại đem khoét mắt đi, để phòng cho nó không thấy đường mà làm trò càn nhiễu.
Cái chỗ vườn yên ổn một thời gian, cho đến năm khí âm xoay vần, bà em đau yếu đi hẳn...
con chó đá chẳng hiểu do ai đem đi, tự nhiên chuyển vào trong vườn bà...
Nó vẫn im lìm, nhưng chỗ hốc mắt trống trơn chẳng còn hướng ra cái giếng cổ như trước nữa...


Câu chuyện thứ 18: HỒI KẾT

Từ sau cái ngày con chó đá bị đập nát đầu ở vườn bà, những chuyện kì dị quanh khu nhà em cũng nhiều phần giảm hẳn. Chẳng còn tiếng hú ban đêm ngoài bờ sông hay những tiếng gọi phía vườn sau nhà cậu D. Ngày hôm đấy cậu em mang cái xác chó đá và 2 tròng mắt dính máu nhét vào bị và ném xuống sông. Dòng nước đỏ quạnh nuốt chửng cái bao tải, sùi bọt trắng xóa rồi chìm nghỉm..
Cách đây hơn 1 năm người ta bắt đầu làm dự án thành phố ven sông Hồng. Lúc này cái bãi gần bờ sông nhà em cũng đã mất gần hết, chỉ còn 1 chút bờ be bé thoải ra ngoài. Sông vào sát làng, lở luôn cả bụi tre và bãi đất năm nào; cuốn đi hết những cái xác người chết trôi vùi ở đấy. Những cái xác lại trôi xuống đáy sông và có lẽ chẳng bao giờ nổi lên được nữa.
Ngày đổ cái kè đá, cả làng nhộn nhịp hẳn. Dân bảo đợi dự án làm xong, giá đất lên tha hồ mà hưởng lợi. Người người nô nức ra ngắm từng đoàn thợ kéo về. Tiếng xe cẩu, xe ben chạy ì ì, đổ đá um ủm suốt cả ngày. Chỗ bãi tre ngày xưa giờ thay bằng cái kè toàn đá tảng, chạy dài tít tắp, trắng phớ hai bên bờ. Thợ dựng lán ở cạnh sông cho tiện làm.
Người làng em bảo cái kè đá cướp đất của những u linh ngoài bãi và cả của loài ma nam.
Hàng đêm vẫn có tiếng nhảy ùm ùm ngoài sông, và cả những tiếng cười đùa í ới. Làng em ai cũng biết, cũng chẳng dám ra ngóng, chỉ thấy ít lâu sau thợ chẳng còn làm đêm, tiếng máy ủi, xe ben cũng bặt tích.
Mọi chuyện cứ bình lặng trôi đi; chẳng còn hồn ma bóng quế và cũng chẳng còn những việc làm người nhà em hoang mang. Đêm đấy bà em ốm.
Cái chân bà em lại trở chứng, đau hết 2 bên đầu gối, mỗi lần đi ra đi vào lại gặp khó khăn. Thế nhưng bà em cũng vui vẻ hơn và không còn cáu kỉnh như đợt trước nữa.
Người nhà em có thói quen đi ngủ muộn. Tối thường tụ tập chè nước ở sân nhà cậu D., đến quá 11h mới ai về nhà nấy ngủ. Đêm đấy cũng vậy, gió sông thổi vào hiu hiu, lành lạnh, không khí thoáng đãng làm câu chuyện trở nên vui vẻ hơn. Đến 10 rưỡi bà em đau chân bỏ về phòng. Mọi người vẫn ngồi lại uống nước. Từ nhà cậu D. xuống nhà bà khoảng 20m. Bà em vừa bước vào phòng, chưa kịp bật điện thì đứng sững lại mà ú ớ không nói được câu nào. Người nhà em thấy thế chạy xuống. Bà em đứng yên trước thềm run run chỉ vào cái khe cửa... Cửa mở hờ, đằng sau bóng tối chỗ cái khe cửa không khít đấy, 2 con mắt đỏ lòm trừng trừng nhìn ra ngoài.. Cậu D. đạp cửa xông thẳng vào, thấy chỗ đấy có cái bóng đen lù lù nhảy qua cửa sổ, rồi biến mất chỗ bờ sông. Cậu em toan đuổi theo thì bà giữ lại. Mặt bà em trắng bệch, thở dốc mà bảo con cháu, “Vong này ở nhà mình lâu rồi”
Thế rồi bà chẳng nói gì nữa, mắt buồn mang mác nhìn ra sông.
Cả nhà có gặng hỏi bà cũng chẳng trả lời.
Phía bờ sông nước vẫn cuộn đục ngầu, sóng va vào cái bờ kè ì oạp, ì oạp..