Các bạn gái trong lớp không coi tôi là một thằng con trai...

Jane_Nolin

New member
Tôi là một cậu con trai chính hiệu, cao 1,75m, không hề gầy gò ẻo lả gì. Nhưng chỉ vì học ban xã hội mà các bạn trong lớp hùa nhau coi tôi là con gái.

Đôi lúc, chỉ vì sự thiếu tế nhị mà con gái bọn mình đã làm cho các cậu bạn con trai bị ức chế, tổn thương. Câu chuyện của H. D (một boy học lớp 10) có làm các bạn suy nghĩ?

Hồi cấp 2, tôi học khá các môn xã hội. Đến khi tốt nghiệp lớp 9, tôi đã nghĩ rất nhiều. Lên cấp 3, tôi sẽ chuyển sang học ban tự nhiên để sau này có thể thi vào các trường thời thượng hay học ban xã hội theo đúng sở trường của tôi.

Mẹ tôi là cô giáo dạy Địa và khuyên tôi cứ học cái gì tôi thấy thích. Dù học ban gì tôi cũng có thể thi vào những trường đại học tốt. Và cuối cùng, tôi quyết định sẽ học ban xã hội.
Ngày nhận lớp, tôi hơi xìu khi trong lớp chỉ vỏn vẹn có 4 đứa con trai, còn lại là hơn 40 đứa con gái. Thực sự là tôi vẫn chưa chuẩn bị tinh thần để thích ứng với điều này. Tôi cũng biết là con trai khối xã hội hay bị nói này kia, bị ác cảm, bị kêu là không nam tính. Nhưng cảm giác đó cũng qua nhanh.

Tôi vốn là người vui tính, hòa đồng. Ngay đầu năm học, tôi lại được bầu làm lớp phó học tập nên tôi nghĩ đó sẽ là cơ hội để tôi có thể làm quen và thân thiết với mọi người.

Lớp có ít con trai nên hình như các bạn gái cũng tinh nghịch và hiếu động hơn. Và tôi có cảm giác là 4 thằng con trai bọn tôi bị “bắt nạt”. Cái gì cũng bị lấn át, hay bị sai làm mấy cái lặt vặt. Đùa cợt cũng rất “thô”. Toàn chuyện con gái mà cứ nói bô bô, coi như chúng tôi không có mặt. Những lúc như thế thì chỉ biết lảng đi hoặc đi ra ngoài. Các bạn gái thường cười phá lên khi chúng tôi tỏ ra ngượng nghịu thế.

Chỉ có mấy ngày như 20/10, 8/3 là các bạn ấy có vẻ hiền dịu hơn thôi vì họ đợi 4 nam nhi trong lớp tặng hoa. Tôi là lớp phó học tập, nhưng thực ra cũng chẳng có “uy” hơn chút nào. Thường xuyên bị các bạn ấy gây áp lực để xí xóa lỗi, hay phải xin thầy cô “châm chước” nếu không may một bạn nào đó mắc lỗi gì.

Nói chuyện, đùa với các bạn gái thì không thể bỗ bã, đập chân đập tay như tụi con trai nên tôi thường nói chuyện hiền hơn, thi thoảng thì tỏ ra nghịch ngợm như kiểu con gái. Hùa vào nói giọng nhí nhéo hay tham gia vào những câu chuyện của họ. Tôi nghĩ đó là cách để hòa đồng với các bạn.

Nhưng hình như cũng vì thế mà các bạn ấy nghĩ tôi “có vấn đề” về giới tính. Có bạn ác mồm nói tôi ái. Có bạn gọi tôi là “chị Thành”. Nghe thế, tôi hơi bực. Nhưng tôi không nói gì, chỉ nghĩ là các bạn trêu cho vui lúc thôi, con trai chấp mấy việc đó làm gì.

Nhiều lúc, mấy tên con trai trong lớp rủ nhau đi chơi, nhưng hoặc là mệt, hoặc là không hứng thú với mấy trò đó nên tôi không đi. Vậy là cũng thành cớ để tôi bị nói. “Ấy là con gái hay sao mà ngại chơi mấy trò đó” hay là “Chị Thành chỉ thích chơi với bọn em thôi đúng không?”.

Dần dần, càng ngày các bạn ấy càng không ý tứ gì khi trêu đùa tôi nữa. Đủ các “mĩ từ” họ quen dùng để gọi tôi, nhẹ thì chị, thím, nặng nề hơn thì Thành “ái”… Lần đầu khi nghe thấy họ gọi vậy, tôi nóng mặt, tức giận, không nói chuyện. Họ lại bảo: “Cậu là con gái hay sao mà mấy chuyện đó cũng chấp nhặt. Con gái bọn tớ còn chả đến thế”.

Kiểu gì cũng nói được, tôi gần như phát điên. Giá họ là con trai, có khi tôi đã xông vào đánh nhau rồi. Họ đùa như không có chuyện gì. Nhưng đâu có biết là tôi đang cảm thấy như thế nào. Tôi là một thằng con trai cơ mà, họ đùa cũng phải có giới hạn chứ.

Những lần sau họ đùa, tôi vờ điếc nhưng cũng không được buông tha. “Chị lại dỗi rồi , chị tự nhận là con gái đấy nhé!” Tôi gần như bị ác cảm với con gái lớp mình sau những lần như thế.

Thậm chí, càng ngày càng quá đáng, họ lôi tôi ra đùa ngay cả với những chuyện nghiêm túc. Như khi báo cáo về sĩ số với thầy cô các bạn đều nói “Dạ thưa cô, có 45 nữ và 3 nam ạ!”. Họ cộng tôi vào sĩ số của con gái.

Có lần thầy giáo dạy chuyên hỏi bạn nữ nào học tốt nhất lớp các bạn ấy chỉ ngay vào tôi. Mọi người cười ồ. Nhưng tôi thì đỏ gay mặt, vừa ngượng vừa tức.

Rất nhiều lần, nhiều lần như vậy rồi. Sự ức chế cứ tích tụ lại trong tôi ngày càng lớn. Mỗi ngày đến lớp tôi đều cảm thấy rất rặng nề. Tôi lầm lì hẳn, không nói chuyện với họ thân thiết như thời gian đầu nữa.
Có lúc, tôi nghĩ đến chuyện xin bố mẹ chuyển sang khối khác học hoặc chuyển sang trường khác học. Không biết, ở những lớp khác, con trai học khối xã hội có khổ sở như tôi không. Hay chỉ có con gái lớp tôi mới thiếu tế nhị như thế, mới có kiểu đùa quá đáng, không thèm quan tâm đến phản ứng của tôi?
 
Back
Top