Hạt thóc hơn 3.000 năm tuổi nảy mầm

Lupin

New member

Các hạt thóc nảy mầm sau hơn 3.000 năm nằm trong lòng đất. (Ảnh do PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung cung cấp)


Chiều 14/5, trao đổi với PV Báo CAND, PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung - Chủ nhiệm Bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử - Đại học KHXH & NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Trong đợt khai quật tại di chỉ Thành Dền (xã Tự Lập, huyện Mê Linh, Hà Nội) từ trung tuần tháng 4 đến nay, đã phát hiện những hạt gạo và thóc thuộc thời kì Văn hóa Tiền Đông Sơn (Văn hoá Đồng Đậu, khoảng 3.500 - 3.000 năm trước).

Đây là phát hiện quan trọng song không phải là quá hy hữu, vì trong các đợt khai quật trước đây, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy những hạt thóc, gạo thuộc các nền Văn hóa Tiền Đông Sơn, Đông Sơn tại khu di Vườn Chuối (huyện Đan Phượng, Hà Nội) và Đồng Đậu (tỉnh Vĩnh Phúc). Tuy nhiên, một sự kiện đặc biệt đã xảy ra khi TS Mỹ Dung ngâm những hạt thóc này trong môi trường ẩm, xâm xấp nước, thì hôm sau có những hạt thóc đã nảy mầm, đâm lá! Như vậy, sau hơn 3.000 năm ngủ yên trong lòng đất, những hạt thóc này đã phục sinh và phát triển khi hội tụ những điều kiện cần thiết.
PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung cũng cho biết: Đây là hiện tượng rất đặc biệt và lần đầu tiên được ghi nhận tại Việt Nam. Lẽ ra, những hạt thóc này đã phải mục nát từ lâu, không hiểu trong điều kiện nào mà chúng có thể bảo tồn được như vậy…
Ngày 13/5, các nhà khoa học ở Viện Di truyền Việt Nam, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã có mặt chứng kiến và đưa những hạt nảy mầm về chăm sóc. Hy vọng qua việc trồng và phân tích sinh học phân tử chúng ta sẽ biết thêm nhiều thông tin thú vị về nghề trồng lúa nước của cư dân Tiền Đông Sơn và có thể bảo tồn nguồn gen quý về giống lúa nước cách nay hàng ngàn năm
 
Back
Top