[Mobile News] “Săn” điện thoại 3G giá rẻ

[Mr.P]

New member
Khi 3G đã trở nên quen thuộc nhưng giá điện thoại 3G vẫn còn khá cao, nhiều người đã chọn cách trải nghiệm mạng 3G bằng những “chú dế” xách tay và secondhand (điện thoại cũ) giá rẻ. Nhưng không ít người tiền mất tật mang.

ImageView.aspx


KU990 của LG sử dụng công nghệ 3G có giá chỉ 1,7 triệu đồng - Ảnh: Đình Khánh

Một chú dế khá “hot” đang được cư dân mạng bàn tán sôi nổi là NEC E313. Chiếc điện thoại này được Hãng NEC sản xuất từ năm 2004, trước đó không được quan tâm lắm ở thị trường VN một phần do kích cỡ khá lớn (dài đến 146mm, ngang ngửa một chiếc remote TV).



360.000 đồng đã có thể video call

Tuy nhiên, điểm mạnh của điện thoại này là sử dụng công nghệ 3G với một camera VGA 640 x 480 pixel xoay trên đầu để dễ dàng sử dụng chức năng video call. Ngoài NEC E313 còn có thể kể đến các model khác của NEC cũng sử dụng công nghệ 3G với giá rất rẻ như E228 có giá 380.000 đồng, NEC E808 giá 750.000 đồng, hay A835 của Motorola có giá chỉ 450.000 đồng, K608i của Sony Ericsson giá 600.000 đồng...



Những model này đều là hàng cũ của các hãng sản xuất cách nay 5-6 năm, xách tay về VN và bán thông qua các nhà cung cấp nhỏ lẻ. Các mẫu điện thoại này được rao bán rất nhiều trên mạng với giá chênh lệch không nhiều. Do giá bán quá rẻ và để thỏa mãn nhu cầu trải nghiệm công nghệ 3G vốn gây không ít tò mò nên đã gây được sự chú ý của nhiều người. Tuy chế độ bảo hành thông thường chỉ từ 1-6 tháng nhưng đó không phải là lý do làm giảm sức hút của những điện thoại 3G khi số tiền bỏ ra có khi không đến 400.000 đồng.



Trên các website rao vặt như 5giay, raovat, chodientu... người mua và bán các loại điện thoại 3G giá rẻ rất nhộn nhịp, đề tài về những chú “dế” này cũng thu hút rất đông đảo sự quan tâm của cư dân mạng. Một cách khác để sở hữu điện thoại 3G giá rẻ là mua hàng secondhand mà phương thức chủ yếu là đưa thông tin lên mạng, sau đó người mua và người bán sẽ thỏa thuận mức giá, hẹn gặp và giao dịch. Với phương thức này, hoàn toàn có thể mua được một điện thoại N73 của Nokia với giá khoảng 1,5 triệu đồng và thỏa thuê vi vu với 3G.


ImageView.aspx

NEC E313 được xem là điện thoại 3G rẻ nhất hiện nay với giá rao bán chỉ 360.000 đồng



Vàng cám lẫn lộn

Cũng có những điện thoại 3G có giá khoảng vài triệu đồng là hàng xách tay nhưng xem ra vẫn “hút hàng” bởi chúng hơn hẳn những điện thoại 3G có mức giá tương đương trong nước. Một trường hợp điển hình là điện thoại KU990 của LG. Máy này là điện thoại 3G cảm ứng với camera 5 megapixel, có chế độ autofocus và đèn flash Xenon, camera phụ chuẩn VGA, quay phim 120 khung hình/giây, được tích hợp với các mạng xã hội như YouTube, Facebook... nhưng giá chỉ khoảng 1,7 triệu đồng.



Mặc dù được sản xuất từ năm 2007 nhưng điện thoại này không được phân phối tại thị trường VN, chỉ xuất hiện qua đường xách tay và đó là nguyên nhân của mức giá khá cạnh tranh này.



Tuy nhiên, nhược điểm của các loại điện thoại 3G giá rẻ là lượng pin thường sử dụng không được lâu do pin chủ yếu là pin độ lại hoặc pin linh kiện trôi nổi khiến nhiều người sử dụng gặp không ít phiền phức. Bên cạnh đó, mức giá khá rẻ cũng khiến nhiều người nghi ngại về chất lượng.



Theo một đầu mối điện thoại, rất nhiều loại điện thoại 3G cũ đã không còn được các hãng sản xuất nữa nhưng vẫn xuất hiện hàng loạt tại VN. Một phần điện thoại 3G giá rẻ hiện nay là rác công nghệ được làm lại nên chất lượng chắc chắn không tốt. Đây là nguyên nhân khiến giá các loại điện thoại này rẻ như vậy.



Trên mục báo cáo người xấu việc xấu của website 5giay, thành viên Lexus000 đã vô cùng thất vọng khi mua phải một chiếc điện thoại N82 của Nokia từ một cô gái có nickname là Helen. Theo thành viên Lexus000, anh đã đọc được mẩu rao vặt của cô gái này về việc bán điện thoại nên đã hẹn gặp cô ở một quán cà phê để xem máy. Thấy Helen là nữ, điện thoại có thẻ bảo hành nên anh không ngần ngại mua ngay.



Thế nhưng khi về nhà mới phát hiện ra máy có dấu hiệu bị lỗi, đem ra trung tâm bảo hành của Nokia thì được biết đây là điện thoại xách tay đã bị bung, ăngten không ổn định, hỏng đèn bàn phím, hỏng nguồn và thẻ bảo hành là giả. Theo đó, muốn sửa chữa phải mất khoảng 1 triệu đồng. Anh liền gọi lại cho Helen thì chỉ nghe tiếng... ò í e. Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp người mua hàng cũ qua mạng bị lừa trong thời gian qua.



Điện thoại tốt, giá rẻ, đáp ứng được nhu cầu thì người dùng không có gì phải đắn đo, nhưng cũng nên cẩn thận với hàng trôi nổi, không đạt chất lượng.


Nguồn: Tuổi Trẻ​
 
Back
Top