[News] 3G chưa rồi, đã “trồi” 4G

[Mr.P]

New member
Bộ Thông tin Truyền thông đã cho phép 5 doanh nghiệp viễn thông thử nghiệm mạng di động 4G.

1286845760.img.jpg

Giới trẻ là khách hàng tiềm năng của các dịch vụ nội dung số trên “dế”, nhưng họ gặp phải rào cản, đó là chi phí. Ảnh: N.T​

Một năm sau đó, các doanh nghiệp sẽ phải đấu giá tần số để lấy giấy phép 4G. Liệu sẽ lại có thêm “cuộc đua nghìn tỷ” để giành được giấy phép 4G như đã từng diễn ra với 3G?

Tốc độ đường truyền “khủng”
Năm doanh nghiệp được thử nghiệm gồm: VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC và VTC. Theo TS Phạm Công Hùng, khoa Điện tử Viễn thông, Đại học Bách khoa Hà Nội, thực tế, 4G không xa lạ với người Việt Nam, truyền hình số VTC, WiMAX là một dạng của 4G. Khái niệm 4G được dùng để chỉ thế hệ thứ 4 của chuẩn mạng không dây di động. 4G sử dụng giải pháp đa truy nhập theo tần số trực giao chia băng thông làm nhiều tần số. 4G có tốc độ truyền dữ liệu vượt hẳn so với 3G.

Nếu với chuẩn 3G hiện nay, tốc độ truyền dữ liệu khoảng 200 Kb/giây thì 4G có khả năng đạt tới mức tốc độ Gb. Trong các điều kiện tĩnh, tốc độ truyền dữ liệu có thể lên tới 1Gb/giây. Với chuẩn 4G, các nhà cung cấp dịch vụ sẽ cung cấp kết nối dựa trên IP với các dịch vụ như đàm thoại IP, kết nối Internet băng thông siêu rộng, game trực tuyến, phim ảnh chất lượng theo chuẩn HD...

Như vậy có thể thấy rõ, ưu thế nổi trội của 4G là tốc độ đường truyền, cũng như 3G so với 2G trước đây. Nhưng có nên triển khai 4G ở thời điểm hiện tại hay không sẽ là một câu hỏi lớn với các doanh nghiệp viễn thông. Các chuyên gia công nghệ thông tin cho rằng, với công nghệ 3G hiện nay, các nhà mạng đã giải quyết được vấn nạn nghẽn mạng.

Tuy nhiên nếu chỉ dùng 3G để giải quyết vấn đề này thì không khác gì “mang rìu mổ... cá”. 3G với ưu thế tốc độ đường truyền lớn, sẽ mang lại nguồn thu lớn nếu các nhà mạng phát triển được các dịch vụ nội dung số. Tuy nhiên, hiện nay phần nội dung của các ứng dụng trên điện thoại đang “hết sức nghèo nàn”. Các dịch vụ gia tăng - nguồn thu lớn của 3G - hiện vẫn chưa được khai thác hết công suất, thậm chí đang bị lãng phí.
Thử nghiệm chỉ để… thử nghiệm!?

“Hiện người dùng di động Việt Nam, ngoài dịch vụ thoại, nhắn tin SMS, chủ yếu sử dụng 3G để truy cập Internet. Như vậy thì triển khai 4G hiện nay để làm gì?”
TS. Phạm Công Hùng, ĐH Bách Khoa Hà Nội.

Công nghệ hiện đại, tốc độ cao đi kèm với... chi phí lớn. Hiện nay chưa có thống kê chính xác về lượng người dùng chấp nhận chi trả mức phí cao cho các dịch vụ giá trị gia tăng trên di động, tuy nhiên theo các chuyên gia trong lĩnh vực thì số lượng khách hàng này là không lớn. Một số khảo sát tại các nước phát triển cho thấy, giới trẻ là khách hàng tiềm năng của các dịch vụ nội dung số trên di động, nhưng ở Việt Nam họ gặp phải rào cản, đó là chi phí.

Mặt khác, hiện nay khi các nhà mạng triển khai các dịch vụ nội dung trên di động còn vướng phải một rào cản khó gỡ là Luật Bản quyền. Trong khi đầu tư để phát triển các dịch vụ nội dung số không phải là nhỏ, tuy nhiên, với Luật Bản quyền chưa mạnh như hiện nay thì các dịch vụ này hoàn toàn có thể bị “đánh cắp”. Điều này khiến các nhà mạng e ngại khi đầu tư phát triển các dịch vụ có chi phí cao.

Trong khi bài toán thu hồi vốn từ 3G đang khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu thì nhiều ý kiến cho rằng sẽ khó có một “cuộc đua nghìn tỷ” giành giấy phép 4G như đã xảy ra với 3G. Tuy nhiên, khi Bộ Thông tin Truyền thông cho phép thử nghiệm mạng 4G, các doanh nghiệp vẫn tỏ ra khá hồ hởi. Vậy nhưng, việc triển khai thử nghiệm không đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền tỷ ra triển khai như 3G.

Động thái thử nghiệm 4G của các nhà mạng hiện nay được cho là một cách để quảng bá thương hiệu. “Tôi sẵn sàng cho những công nghệ mới nhất để phục vụ khách hàng. Đó có thể là thông điệp các nhà mạng muốn gửi đến khách hàng của họ với việc thử nghiệm 4G”, ông Hùng nhận xét.

Tuy nhiên, chuyện 3G chưa xong đã “manh nha” 4G cũng đặt ra câu hỏi, lựa chọn nào cho viễn thông Việt Nam? Không lẽ cứ mãi “chạy theo” thế giới như hiện nay? Nhiều tổ chức nước ngoài thời gian gần đây vẫn đánh giá cao về thị trường viễn thông Việt Nam nhưng liệu những đánh giá này có thực sự xác đáng? Câu hỏi này có lẽ dành cho những nhà quản lý, hoạch định chính sách phát triển viễn thông.
Nguồn: Xã Luận​
 
Back
Top