
Thị trấn Pont-Saint-Esprit trải qua một thời gian kinh hoàng vì “bánh mì bị nguyền rủa” - Ảnh: physorg
Tranh cãi tiếp tục nổ ra quanh vụ thử vũ khí hóa học bí ẩn được tiến hành tại Pháp cách đây hơn nửa thế kỷ.
Gần 60 năm trước, một thị trấn yên bình và đẹp như tranh ở Pháp đã chứng kiến một đợt bùng phát ảo giác và cuồng loạn, khiến ít nhất 5 người thiệt mạng và nhiều người bị bệnh nặng. Theo BBC, trong nhiều năm, người ta đổ lỗi cho bánh mì nhiễm nấm độc, nhưng nay giả thiết đó đang bị thách thức.
Bánh mì bị “nguyền rủa”
Ngày 16.8.1951, chàng bưu tá Leon Armunier đang đi giao thư ở thị trấn Pont-Saint-Esprit, miền nam nước Pháp, thì bất thình lình bị nôn mửa và gặp ảo giác. “Thật kinh khủng. Người tôi có cảm giác như co rút lại, thấy lửa và rắn cuộn quanh cánh tay mình”, người đàn ông, nay đã 87 tuổi, kể lại với BBC hồi cuối tháng 8. Armunier khi đó té khỏi xe đạp và nhập viện ở Avignon. Ông ở chung phòng với 3 người bị cột chặt vào giường. “Một số người cố nhảy ra khỏi cửa sổ. Họ quẫy đạp, gào thét một cách man dại. Những âm thanh thật khủng khiếp. Tôi thà chết chứ không thể trải qua cảnh đó một lần nào nữa”, Armunier kể.
Trong những ngày tiếp theo, hàng chục người trong thị trấn cũng có những triệu chứng rất kỳ quái. Theo báo Telegraph, một người đàn ông nhảy xuống sông vì thấy “bụng mình đang bị rắn cắn”; một cậu bé 11 tuổi ra sức siết cổ bà mình; một người khác tin rằng mình là “một chiếc phi cơ” trước khi lao ra khỏi cửa sổ và gãy cả hai chân; người nọ khẳng định thấy quả tim mình chui ra ngoài và nài nỉ bác sĩ đưa nó trở lại. Nhiều người bị đưa đến nhà thương điên. Lúc ấy, các nhà khoa học kết luận nguyên nhân của dịch bệnh là do bánh mì của một xưởng sản xuất tại thị trấn bị nhiễm thủy ngân hoặc ergot, một loại nấm độc bám trên lúa mạch đen. Đáng chú ý, ergot cũng là một trong những thành phần quan trọng của các loại ma túy gây ảo giác (LSD).
Ý kiến này được chấp nhận cho đến năm ngoái, khi ký giả điều tra người Mỹ Hank Albarelli tiết lộ về sự tồn tại của một tài liệu thuộc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) có tựa đề “Hồ sơ Pont-Saint-Esprit và F.Olson”. F.Olson chính là Frank Olson, một chuyên gia hóa sinh của quân đội Mỹ mà vào thời điểm xảy ra dịch bệnh ở Pont-Saint-Esprit, đang chủ trì một cuộc nghiên cứu về LSD cho CIA. Ký giả Albarelli tin rằng “Hồ sơ Pont-Saint-Esprit và F.Olson”, nếu chưa bị tiêu hủy, sẽ chứng minh CIA bí mật thí nghiệm LSD trên người dân thị trấn trong khuôn khổ một chương trình chiến tranh hóa học. Xưởng bánh Roch Briand khi đó bị coi là nguồn phát xuất độc tố, nhưng ký giả Albarelli nói có thể LSD đã được bỏ vào bánh mì. Vào thời điểm xảy ra vụ việc, Olson và một số quan chức Mỹ đang có mặt tại Pháp.
Dân Mỹ cũng dính “lời nguyền”
Theo BBC, người ta đã biết rõ rằng các chuyên gia chiến tranh hóa sinh trên thế giới đã thử nghiệm LSD đầu thập niên 1950, giai đoạn xảy ra chiến tranh Triều Tiên và leo thang căng thẳng trong Chiến tranh lạnh. Albarelli nói ông tìm thấy một báo cáo tuyệt mật do một lãnh đạo cấp cao của Edgewood Arsenal, nơi tiến hành nhiều thí nghiệm LSD cho chính quyền Mỹ, đưa ra vào năm 1949. Tài liệu này nói quân đội cần làm mọi thứ để có “thí nghiệm thực địa” đối với LSD.
Nhờ luật tự do thông tin của Mỹ, ký giả này tiếp tục tìm thấy một báo cáo khác của CIA hồi năm 1954, trong đó một điệp viên tường trình cuộc đối thoại của ông ta với đại diện Công ty Sandoz Chemical có trụ sở tại Thụy Sĩ. Đại bản doanh của Sandoz Chemical, chỉ cách Pont-Saint-Esprit vài trăm cây số, là nơi duy nhất sản xuất LSD vào thời điểm đó cũng như bí mật cung cấp chất này cho quân đội Mỹ và CIA. Điệp viên này tường trình rằng sau vài cuộc rượu, đại diện của Sandoz đột ngột nói: “Bí mật tại Pont-Saint-Esprit là vụ đó không hề do bánh mì, cũng không phải do ergot”.
Albarelli tìm được các tài liệu trên khi đang điều tra cái chết đáng ngờ của Olson, người đã ngã xuống từ cửa sổ tầng thứ 13 của một tòa nhà tại New York vào ngày 28.11.1953 - 2 năm sau khi xảy ra vụ “bánh mì bị nguyền rủa”. Nhiều kết quả điều tra đã được Albarelli trình bày trong cuốn sách dày 900 trang có tựa đề A Terrible Mistake: The Murder of Frank Olson and the CIA’s Secret Cold War Experiments (tạm dịch: Sai lầm khủng khiếp: Vụ sát hại Frank Olson và những thử nghiệm bí mật của CIA trong Chiến tranh lạnh) được xuất bản năm ngoái. Ký giả này dẫn báo cáo của Ủy ban Rockefeller (được Nhà Trắng thành lập vào năm 1975 để điều tra những hành vi lạm dụng quyền hành của CIA trên khắp thế giới - NV) cho hay Olson bị cho dùng một lượng lớn LSD và có dấu hiệu ông này bị thủ tiêu. Ngay sau khi có báo cáo này, Tổng thống Mỹ khi đó là Gerald Ford đã phải xin lỗi vợ con của Olson và chính quyền bồi thường cho họ 750.000 USD.
Albarelli cũng khẳng định 2 cựu chuyên gia của CIA đã nói với ông rằng thị trấn Pont-Saint-Esprit từng gánh chịu một vụ dùng máy bay rải LSD được tán thành bột. Nhưng theo họ, kế hoạch này không thành công, buộc CIA tiến đến giai đoạn 2 là làm nhiễm độc thực phẩm. Albarelli còn tìm được là một tài liệu mật của Nhà Trắng gửi cho các thành viên của Ủy ban Rockefeller, trong đó liệt kê một loạt tên những công dân Pháp bí mật làm việc cho CIA, trong đó có những bằng chứng trực tiếp về vụ việc tại Pont-Saint-Esprit.
Ký giả Albarelli còn phát hiện bằng chứng cho thấy tình báo Mỹ lên kế hoạch tiến hành một cuộc thử nghiệm tương tự tại hệ thống tàu điện ngầm New York vào tháng 9.1950. Một báo cáo mật của FBI nói rằng kế hoạch trên đã bị hoãn vô hạn định. Tuy nhiên, Albarelli nói với báo The New York Post rằng một đồng nghiệp của Olson, Henry Eigelsbach, xác nhận cuộc thử nghiệm tại New York thực sự đã diễn ra vào tháng 11.1950, với quy mô nhỏ hơn dự tính. Nhưng ít ai biết về vụ này, chẳng hạn như tuyến đường nào, bao nhiêu người bị nhiễm và điều gì đã xảy ra.
Cũng theo lời Eigelsbach, đến năm 1952, một nhân viên của Văn phòng Chống ma túy Mỹ tên là George Hunter White đã tung một số lượng nhỏ LSD dạng khí trên một tàu điện ngầm ở New York theo chỉ thị của CIA. Theo những gì White viết trong nhật ký thì có thể thấy ông ta hài lòng với kết quả cuộc thử nghiệm, nhưng các báo cáo của White về vụ việc đã bị CIA tiêu hủy vào năm 1973. Ngoài ra Telegraph dẫn lời Albarelli cho rằng quân đội Mỹ cũng đã thử nghiệm LSD trên 5.700 quân nhân Mỹ từ năm 1953 đến năm 1965.
Vẫn còn tranh cãi
Tuy nhiên, nhà sử học Mỹ Steven Kaplan, người chuyên nghiên cứu về lịch sử thực phẩm Pháp và là tác giả cuốn sách xuất bản năm 2008 về vụ Pont-Saint-Esprit, lại cho rằng ergot và cả LSD đều không phải là thủ phạm. Theo ông, nếu lúa mạch nhiễm độc ergot thì không ảnh hưởng chỉ một bao tải hạt ở một xưởng bánh như đã nói ở trên. Đợt bùng phát ảo giác và điên loạn hẳn phải lan rộng hơn. Ông cũng bác bỏ tác nhân LSD với lý do các triệu chứng của người dân, dù tương tự, không hoàn toàn do thuốc gây ra.
Ông lập luận rằng LSD không còn tác dụng trong nhiệt độ của lò nướng bánh, mặc dù Albarelli phản bác rằng thuốc có thể được bỏ vào bánh sau khi đã nướng xong. Ông Kaplan cũng nghi ngờ việc chọn Pont-Saint-Esprit làm nơi thử nghiệm LSD, vì theo ông, chẳng có ý nghĩa gì khi làm việc này ở một thị trấn đã bị quân đội Mỹ phá hủy phần lớn trong Thế chiến II. Theo trang Physorg.com, sau 35 năm kể từ khi ông Kaplan bắt đầu nghiên cứu vụ Pont-Saint-Esprit, kết luận mà ông đưa ra trong cuốn sách có tựa đề Le pain maudit (tạm dịch: Bánh mì bị nguyền rủa) là không có manh mối rõ ràng nào về nguyên nhân gây ra đợt cuồng loạn bí ẩn ở thị trấn nói trên.
Dù bất đồng trong việc lý giải nguyên nhân vụ việc, nhưng cả Albarelli và Kaplan đều nhất trí rằng Chính phủ Pháp cần điều tra để làm rõ chuyện gì đã thực sự xảy ra. Hồi tháng 3 năm nay, tờ Telegraph dẫn các bản tin ở Mỹ cho biết lãnh đạo tình báo Pháp đã đòi CIA giải thích sau khi có những tiết lộ về vụ Pont-Saint-Esprit. Tuy nhiên, giới chức Pháp sau đó đã bác bỏ thông tin này. Các thông tin mà ký giả Albarelli thu thập được không cho biết liệu mật vụ Pháp hồi thập niên 1950 có biết vụ việc ở Pont-Saint-Esprit hay không.
Trong khi đó, dân chúng ở thị trấn nhỏ bé này, bao gồm nhiều người đã gần đất xa trời, vẫn đau đáu muốn biết vì sao họ phải gánh chịu những cảnh tượng “như trong ngày tận thế”. “Lúc mọi người đưa ra giả thiết về một cuộc thử nghiệm vũ khí hóa học, tôi đã suýt chết ngất. Tôi muốn biết rõ sự thật”, ông Charles Granjoh, 71 tuổi, nói với tuần báo Pháp Les Inrockuptibles.
Theo TNO