Tuyển tập thơ Nguyễn Bính

mylove

New member
Đôi Nét về nhà thơ :



Nguyễn Bính sinh vào năm 1918 với tên thật là Nguyễn Trọng Bính tại xóm Trạm, thôn Thiện Vịnh, xã Đồng Đội (nay là xã Cộng Hòa), huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định).


Theo tài liệu được Hội Nhà Văn ở Hà Nội công bố về tiểu sử của ông: thuở nhỏ Nguyễn Bính không được đi học ở nhà trường mà chỉ được học ở nhà với cha là ông đồ nho Nguyễn Đạo Bình và đồng thời cũng được người cậu ruột là Bùi Trinh Khiêm dạy kèm. Ông mồ côi mẹ rất sớm, cha đi bước nữa, gia đình túng quẫn, nên khi lên 10 tuổi đã phải theo anh ruột là Nguyễn Mạnh Phác ra Hà Nội sinh sống. Thời gian này ông được người anh dạy học ở nhà.


Năm 13 tuổi ông đã bắt đầu làm thơ và năm 1937 được giải khuyến khích về thơ của nhóm Tự lực văn đoàn với tập thơ Tâm hồn tôi. Những năm đầu thập niên 1940, Nguyễn Bính nhiều lần lưu lạc vào miền Nam. Lúc này ông đổi tên là Nguyễn Bính Thuyết. Năm 1943, Nguyễn Bính lại đi vào miền Nam lần thứ ba và đã gặp Đông Hồ, Kiên Giang. Có lúc ông cư ngụ trong nhà Kiên Giang. Đó là thời ông viết những bài Hành Phương Nam, Tặng Kiên Giang, Từ Độ Về Đây… Chính vì vậy ông được gọi là “thi sĩ giang hồ”.


Năm 1947, Nguyễn Bính tham gia kháng chiến chống Pháp ở miền Nam. Đến năm 1954, khi Hiệp định Genève chia đôi đất nước, Nguyễn Bính tập kết về Bắc năm 1955 và được bố trí phục vụ trong Hội Nhà Văn ở Hà Nội một thời gian.
Năm 1956, ông được giao nhiệm vụ phụ trách tờ Trăm Hoa (nguyên văn trong tài liệu của Hội Nhà Văn) và tham gia vào phong trào Nhân văn – Giai phẩm.


Đến năm 1958, bị buộc chuyển về tỉnh nhà Nam Định, làm việc tại Ty Văn hoá Nam Định cho đến khi mất.
Nguyễn Bính mất sáng ngày 20 tháng 1 năm 1966, tức ngày 29 tháng chạp âm lịch xuân Ất Tị, tại nhà một người bạn ở huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam. Khi đó không một người vợ con ruột thịt nào của ông có mặt.
Nguyễn Bính được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2000.




Sau đây xin giới thiệu các tập thơ :
 
Thư gửi thầy mẹ

Thư gửi thầy mẹ





Ai về làng cũ hôm nay,
Thư này, đưa hộ cho thầy mẹ tôi.
Con đi mười mấy năm trời
Một thân bé bỏng, nửa đời gió sương:

Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương
Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
Thầy mẹ ơi! Thầy mẹ ơi,
Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!
Con đi năm ấy tháng tư
Lúa chiêm xấp xỉ, giỗ từ tháng ba.
Con đi quạnh cửa, quạnh nhà
Cha già đập lúa, mẹ già rũ rơm.
Cha giã gạo, mẹ thổi cơm
Có con, con vắng, ai làm thay cho?
Con dan díu nợ giang hồ
Một mai những tưởng cơ đồ làm nên.
Ai ngờ ngày tháng lưu niên
Đã không gọi chút báo đền dưỡng sinh,
Lại mang ân ái vào mình
Cái yêu làm tội, làm tình cái thân.
Bó tay như kẻ hàng thần
Chán chường như lũ tàn quân lìa thành.
Mẹ cha thì nhớ thương mình
Mình đi thương nhớ người tình xa xôi…
Ở thư này, thầy mẹ ơi!
Nhận cho con lấy vài lời kính thăm
Xin thầy mẹ cứ yên tâm
Đừng thương nhớ, một vài năm, con về.
Thầy ơi, đừng chặt vườn chè
Mẹ ơi đừng bán cây lê con trồng…

Nhớ thương thầy mẹ khôn cùng
Lạy thầy, lạy mẹ thấu lòng cho con.





-------


 
Qua nhà

Qua Nhà

Cái ngày cô chưa có chồng
Đường gần tôi cứ đi vòng cho xa
Lối này lắm bưởi nhiều hoa …
(Đi vòng để được qua nhà đấy thôi)

Một hôm thấy cô cười cười
Tôi yêu yêu quá nhưng hơi mất lòng
Biết đâu rồi chả nói chòng:
“Làng mình khối đứa phải lòng mình đây!”

Một năm đến lắm là ngày
Mùa thu mùa cốm vào ngay mùa hồng
Từ ngày cô đi lấy chồng
Gớm sao có một quãng đồng mà xa

Bờ rào cây bưởi không hoa
Qua bên nhà thấy bên nhà vắng teo.
Lợn không nuôi, đặc ao bèo
Giầu không dây chẳng buồn leo vào giàn
Giếng thơi mưa ngập nước tràn
Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều.





----------
 
Oan Nghiệt

Oan Nghiệt

Hôm nay bắt được thư Hà Nội
Cho biết tin Dung đã đẻ rồi
Giờ sửu, tháng ngâu, ngày nguyệt tận
Bao giờ tôi biết mặt con tôi?
Nào xem thử đoán tên con gái
Oanh, Yến, Đào, Trâm, Bích, Ngọc, Hồi?
Tôi biết vô tình Dung lại muốn
Con mình mang lấy nghiệp ăn chơi.

Ngọc nữ trót sinh vào tục lụy
Đời con rồi khổ đấy con ơi!
Mẹ con đeo đẳng nghề ca xướng
Nuôi được con sao, giời hỡi giời!
Mẹ con chỉ đợi hồng đôi má
Chỉ đợi chiều xuân kia thắm tươi
Hôn con một chiếc hay là khóc
Rồi gởi cho nhgười thiên hạ nuôi
Mẹ con nịt vú cho tròn lại
Chiều cái hoang đàng lũ khách chơi
Đời cha lưu lạc quê người mãi
Kiếp mẹ đêm đêm bán khóc cười
Có mẹ có cha mà đến nỗi
Miệng đời mai mỉa gái mồ côi
Vài ba năm nữa con khôn lớn
Uốn lưỡi làm sao tiếng “mẹ ơi”
Đời em xuống dốc tôi lên dốc
Nào có vui gì, khổ cả đôi
Sương chiều gió sớm bao đơn chiếc
Bướm lại ong qua mấy ngậm ngùi
Sắt son một chuyến giăng còn sáng
Tâm sự đôi dòng nước chảy xuôi
Cỏ bồng trở lại kinh kì được
Hoa đợi hay bay xứ khác rồi.
Vô khối ngọc trong the thắm đấy
Dung còn chung thủy nữa hay thôi?
Rồi có một đêm màn rủ thấp
Ngã vào tay một khách làng chơi.
Em có nghĩ rằng trong hắt hủi
Con mình trằn trọc cánh tay ai?
Em có nghĩ rằng trong quán trọ
Đầu tôi lại gối cánh tay tôi?
Cha mẹ đã không nuôi dạy được
Con là phận gái hạt mưa sa
Chân bùn tay lấm hay hài hán
Hay lại bình khang lại nguyệt hoa?
Cành đưa lá đón theo đời mẹ
Phách ngọt đàn hay tục xướng ca
Cha lo ngại lắm là con gái
Chẳng có bao giờ biết mặt cha
Con mười sáu bảy xuân đương độ
Cha bốn năm mươi chửa trót già
Cha buồn tiễn khách hơi thu quạnh
Con thẹn che đàn nửa mặt hoa
Chàng chàng thiếp thiếp vui bằng được
Bố bố con con chẳng nhận ra
Một lứa bên giời chung lận đận
Thương nhau cha soạn khúc Tì bà
Áo xanh mà ướt vì đêm ấy
Tội nghiệp đời con, xấu hổ cha
“Khóm cúc tuôn đôi dòng lệ cũ
“Con thuyền buộc một mối tình nhà…”
Giờ đây cha khóc vì thương nhớ
Gửi vọng về con một chiếc hôn
Tiền cha không đủ hoàn lương mẹ
Còn lấy đâu mà nuôi nấng con?
Thôi cha cầu chúc cho con gái
Mắt chớ lưu cầu môi chớ son
Càng tài sắc lắm càng oan nghiệp
“Bảy nổi ba chìm với nước non”
Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ
Nghèo lắm con ơi! bạc lắm con!
Ở đây cha khóc mà thương nhớ
Đất Huế dầm mưa mấy tháng tròn…





Huế 1941

 
Mùa đông đan áo

Mùa đông đan áo



Đã quyết không … không … được một ngày
Rồi yêu mất cả buổi chiều nay
Chiều nay bướm trắng ra nhiều quá!
Không biết là mưa hay nắng đây ?

Lâu nay tôi thấy ở lòng tôi
Như có tơ vương đến một người
Người ấy, nhưng mà tôi chả nói
Tôi đành ngậm miệng nữa mà thôi.

Tôi quen ngậm miệng với tình xưa
Tình đã sang sông đã tới bờ
Tình đã trao tôi bao oán hận
Và đem đi cả một thuyền mơ.

Mơ có năm năm đã vội tàn,
Có nàng đan mãi áo len đen.
Có nàng áo đỏ đi qua đấy,
Hương đượm ba ngày hương chưa tan.

Mà hương đượm mãi ở hồn tôi,
Tôi biết là tôi yêu mất rồi!
Tôi biết từ đây tôi khổ lắm,
Chiều nay gió lạnh đấy, nàng ơi!

Tất cả mùa đông đan áo len
Cho người cho tất cả người quen
Còn tôi người lạ, tôi người lạ,
Có cũng nên mà không cũng nên.

Oán đã bao la, hận đã nhiều
Cớ sao tôi vẫn chả thôi yêu ?
Tôi đi mãi mãi con đường ấy
Qua lại hôm nay, sáng lại chiều.







-----------



 
Đêm Sao Sáng

Đêm Sao Sáng



Đêm hiện dần lên những chấm sao
Lòng trời đương thấp bỗng nhiên cao
Sông Ngân đã tỏ đôi bờ lạnh
Ai biết cầu Ô ở chỗ nào
Tìm mũ Thần Nông chẳng thấy đâu
Thấy con Vịt lội giữa dòng sâu
Sao Hôm như mắt em ngày ấy
Rớm lệ nhìn tôi bước xuống tàu
Chòm sao Bắc Đẩu sáng tinh khôi
Lộng lẫy uy nghi một góc trời
Em ở bên kia bờ vĩ tuyến
Nhìn sao thao thức mấy năm rồi
Sao đặc trời cao sáng suốt đêm
Sao đêm chung sáng chẳng chia miền
Trời còn có bữa sao quên mọc
Tôi chẳng đêm nào chẳng nhớ em.


--------


 
Vâng !

Vâng !

Lạ quá! Làm sao tôi cứ buồn?
Làm sao tôi cứ khổ luôn luôn?
Làm sao tôi cứ tương tư mãi,
Người đã cùng tôi phụ rất tròn?

Thì ra… chỉ có thế mà thôi!
Yêu đấy, không yêu đấy, để rồi
Mắc hẳn đường tơ sang cửi khác
Dệt từng tấm mộng để dâng ai

Khuyên mãi son cho chữ Ái Tình,
Mộng lòng trang điểm mãi cho xinh.
Có người đêm ấy khoe chồng mới:
“- Em chửa yêu ai, chỉ có mình!”

Có người trong gió rét mùa đông,
Chăm chỉ đan cho trọn áo chồng.
Còn bảo: “- Đường len đi vụng quá!
Lần đầu đan áo kiểu đàn ông.”

Vâng, chính là cô chưa yêu ai,
Lần đầu đan áo kiểu con trai
Tôi về thu cả ba đông lại,
Đốt hết cho cô khỏi thẹn lời.







----------


 
Người con gái ở lầu hoa


Người con gái ở lầu hoa

Nhà nàng ở gốc cây mai trắng,
Trên xóm mai vàng dưới đế kinh.
Có một buổi chiều qua lối ấy,
Tôi về dệt mãi mộng ba sinh.

Tôi rót hồn tôi xuống mắt nàng.
Hồn tôi là cả một lời van.
Tôi van nàng đấy! Van nàng đấy!
Ai có yêu đương chả vội vàng?

Tôi rót hồn tôi xuống đã nhiều,
Hồn tôi còn có được bao nhiêu?
Tôi đi sợ cả lời tôi nói,
Sợ cả gần nàng, sợ cả yêu.

Nàng có bao giờ nghĩ đến không?
Không, nàng đan áo suốt mùa đông,
Mùa xuân qua cửa, tôi qua cửa,
Nàng chả nhìn cho, đến não nùng!

Tôi mỉa mai tôi, oán trách tôi
Làm sao tôi lại cứ câm lời?
Thì trăm con gái, nghìn con gái
Nàng cũng là người con gái thôi.

Có một nghìn đêm tôi chiêm bao,
Ba đêm nay khóc với mưa rào,
Đêm nay mắt đỏ rồi, mưa tạnh,
Tôi khóc âm thầm dưới bóng sao.

Nàng ở lầu hoa ở đệm bông,
Có đêm nào nghĩ đến tôi không?
Không không, chả có đêm nào cả,
Chả có đêm nào hé cánh song…







-----------



 
Em Với Anh

Em với Anh

Lòng em như quán bán hàng
Dừng chân cho khách qua đàng mà thôi.
Lòng anh như mảng bè trôi
Chỉ về một bến chỉ xuôi một chiều.

Lòng anh như biển sóng cồn
Chứa muôn con nước nghìn con sông dài
Lòng em như thể lá khoai
Đổ bao nhiêu nước ra ngoài bấy nhiêu

Lòng anh như hoa hướng dương
Trăm nghìn đổ lại một phương mặt trời.
Lòng em như cái con thoi
Thay bao nhiêu suốt mà thoi vẫn lành!







------



 
Người hàng xóm

Người hàng xóm


Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái giậu mùng tơi xanh rờn
Hai người sống giữa cô đơn
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi.
Giá đừng có giậu mùng tơi
Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng
Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng
Có con bướm trắng thường sang bên này…
Bướm ơi, bướm hãy vào đây
Cho tôi hỏi nhỏ câu này chút thôi
Chả bao giờ thấy nàng cười
Nàng hong tơ ướt ra ngoài mái hiên
Mắt nàng đăm đắm trông lên
Con bươm bướm trắng về bên ấy rồi
Bỗng dưng tôi thấy bồi hồi
Tôi buồn tự hỏi: hay tôi yêu nàng?
Không, từ ân ái nhỡ nhàng
Tình tôi than lạnh tro tàn làm sao!
Tơ hong nàng chả cất vào
Con bươm bướm trắng hôm nào cũng sang.

Mấy hôm nay chẳng thấy nàng
Giá tôi cũng có tơ vàng mà hong
Cái gì như thể nhớ mong?
Nhớ nàng? Không, quyết là không nhớ nàng!
Vâng, từ ân ái nhỡ nhàng
Lòng tôi riêng nhớ bạn vàng ngày xưa.
Tầm tầm giời cứ đổ mưa
Hết hôm nay nữa là vừa bốn hôm!
Cô đơn buồn lại thêm buồn
Tạnh mưa bươm bướm biết còn sang chơi ?

Hôm nay mưa đã tạnh rồi
Tơ không hong nữa, bướm lười không sang
Bên hiên vẫn vắng bóng nàng
Rưng rưng tôi gục xuống bàn… rưng rưng
Nhớ con bướm trắng lạ lùng
Nhớ tơ vàng nữa, nhưng không nhớ nàng
Hỡi ơi bướm trắng tơ vàng
Mau về mà chịu tang nàng đi thôi
Đêm qua nàng đã chết rồi
Nghẹn ngào tôi khóc, quả tôi yêu nàng
Hồn trinh còn ở trần gian
Nhập về bướm trắng mà sang bên này.





------


 
Tương Tư

Tương Tư

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Một người chín nhớ mười mong một người.
Gió mưa là bệnh của trời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
Hai thôn chung lại một làng,
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?
Ngày qua ngày lại qua ngày,
Lá xanh nhuộm đỏ thành cây lá vàng.
Bảo rằng cách trở đò giang,
Không sang là chẳng đường sang đã đành;
Nhưng đây cách một đầu đình,
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi.
Tương tư thức mấy đêm rồi,
Biết cho ai biết, ai người biết cho.
Bao giờ bến mới gặp đò,
Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau.

Nhà em có một giàn giầu,
Nhà anh có một hàng cau liên phòng.
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?









-------



 
Chân quê

Chân Quê

Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!

Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?

Nói ra sợ mất lòng em
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh!

Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.









--------



 
Nhớ

Nhớ

Ví chăng nhớ có như tơ nhỉ,
Em thử quay xem được mấy vòng?
Ví chăng nhớ có như vừng nhỉ
Em thử lào xem được mấy thưng!

Anh ơi! Em nhớ, em không nói,
Nhớ cứ đầy lên, cứ rối lên
Từ đấy về đây xa quá đỗi,
Đường đi bằng ngựa hay bằng thuyền?

Gieo thoi, gieo thoi, lại gieo thoi
Nhớ nhớ, mong mong, mãi mãi rồi …
Thoi ạ làm sao thoi lại cứ
Đi về giăng mắc để trêu tôi?

Hôm qua chim khách đậu trên cành,
Kêu mãi làm em cứ tưởng anh.
Nội nhật hôm qua về tới bến
Ai ngờ chim khách cũng không linh!

Anh bốn mùa hoa, em một bề
Anh muôn quán trọ, em thâm khuê
May còn hơn được ai sương phụ
Là nhớ người đi có thể về.





--------
 
Mưa xuân

Mưa Xuân



Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già
Lòng trẻ còn như cây luạ trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Ðặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo: “Thôn Ðoài hát tối nay”

Lòng thấy giăng tơ một mối tình
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh
Hình như hai má em bừng đỏ
Có lẽ là em nghĩ đến anh

Bốn bên hàng xóm đã lên đèn
Em ngửa bàn tay trước mái hiên
Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh
Thế nào anh ấy chả sang xem!

Em xin phép mẹ, vội vàng đi
Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe
Mưa bụi nên em không ướt áo
Thôn Ðoài cách có một thôi đê

Thôn Ðoài vào đám hát thâu đêm
Em mải tìm anh chả thiết xem
Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em

Chờ mãi anh sang anh chẳng sang
Thế mà hôm nọ hát bên làng
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn
Ðể cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng!

Mình em lầm lũi trên đường về
Có ngắn gì đâu môt dải đê!
Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt
Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya

Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay
Hoa xoan đã nát dưới chân giày
Hội chèo làng Ðặng về ngang ngõ
Mẹ bảo: “Mùa xuân đã cạn ngày”

Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày!
Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ hội Ðặng đi ngang ngõ
Ðể mẹ em rằng “hát tối nay”?







-------

 
Cô lái đò

Cô lái đò

Xuân đã đem mong nhớ trở về
Lòng cô lái ở bên sông kia.
Cô hồi tưởng lại ba xuân trước,
Trên bến cùng ai đã nặng thề.

Nhưng rồi người khách tình xuân ấy,
Đi biệt không về với bến sông.
Đã mấy lần xuân trôi chảy mãi
Mấy lần cô lái mỏi mòn trông.

Xuân này đến nữa, đã ba xuân
Đốm lửa tình duyên tắt nguội dần.
Chẳng lẽ ôm lòng chờ đợi mãi
Cô đành lỗi bước với tình quân.

Bỏ thuyền, bỏ lái bỏ dòng sông,
Cô lái đò kia đi lấy chồng.
Vắng bóng cô em từ dạo ấy,
Để buồn cho những khách sang sông.





-------
 
Back
Top