Vòng xoáy tình yêu- Thanh Điểu/ Dịch: Thanh Hương

duckon88

New member
Tác phẩm: Vòng xoáy tình yêu
Tác giả: Thanh Điểu
Dịch giả: Phạm Thanh Hương
Đơn vị phát hành: VanvietBooks
Thời gian xuất bản: tháng 3/2011

Cây sui hay còn gọi là cây thuốc súng, là loài cây thân gỗ thường xanh có trái màu đỏ tím chứa chất kịch độc. Chất độc này sẽ xâm nhập vào trong cơ thể con người qua miệng vết thương, gây tử vong cho con người. Nó là loài cây độc nhất thế giới. Trước đây tôi tưởng rằng đó chính là loại độc dược hữu hình kinh khủng nhất. Nhưng rất nhiều năm sau tôi mới hiểu ra rằng: “tình” mới là một “Cây sui” có độc tính mạnh nhất. Chung tình, tương tư, yêu thầm, khao khát, chờ đợi, thất vọng, thăm dò, điên cuồng, cố chấp, ích kỉ, đố kị, thương hại, đau đớn, cách biệt, hồi ức…Khi những nhược điểm này của con người tập trung lại, ai nấy đều là một cây sui kết đầy trái độc.
Có đôi khi, tình yêu cũng phải đầu hàng thời gian, tham vọng, chờ đợi mòn mỏi và sự bỏ lỡ….


Hai chị em sinh đôi Văn Kỳ và Văn My cùng yêu một người đàn ông là Mục Hoa Nhiên, không hiểu vì lí do gì Mục Hoa Nhiên không chọn cô chị- Văn My- người vẹn toàn tài sắc mà ông yêu tha thiết,ông lại chọn cho cô em. những mâu thuẫn và trả thù, mưu mô toan tính trong tình yêu khiến cho hai anh em sinh đôi Mục Nhiễm và Mục Cửu Dương vừa mới ra đời đã sớm phải ly tán một lần nữa. Sau khi lớn lên họ lại tiếp tục những ân oán xưa kia: ích kỷ, thương hại, đố kỵ, hận thù, đau đớn, ly biệt...

Chương 1: Mục Nhất Dương

Tôi sống ở một khu phố ổ chuột phức tạp nhất tại New York, ở đây cách phố người Hoa không xa. Tuy nhiên nơi này không hề an toàn, ngoài người Hoa như tôi ra còn có người da đen và người Mỹ.


Tôi tự gọi mình là “người Hoa”. Đúng vậy, là người Hoa. Bởi vì bố mẹ nuôi của tôi là những người Trung Quốc cực kì tốt bụng. Đáng tiếc là họ đã mất tích trên con tàu đi từ Đại Tây Dương ngang qua Becmuda vào sáu năm trước, trong một sự cố ngoài ý muốn, họ đã biến mất trong sự thần bí của quần đảo phía Tây cách phía Nam Carolina của Hợp chủng quốc Hoa Kì chín trăm mười km. Chính phủ Anh đã cho tàu thuyền và trực thăng rà soát khắp các khu vực biển xung quanh đó nhưng không ai dám tiếp cận khu vực biển chứa đầy rong mơ(1) .





Theo các báo cáo cho hay, con tàu của bố nuôi tôi đã rơi vào vùng vịnh của Puerto Rico. Cũng có người nói con tàu của họ đã gặp phải mọt luồng từ trường dị thường, rơi vào vòng xoáy dưới đáy biển. Thậm chí còn có người cho rằng, khi đáy đại dương xảy ra một cơn đại địa chấn sẽ sản sinh ra các bong bóng khí bioga khổng lồ, khiến cho mật độ của nước biển hạ thấo, mất đi lực nổi vốn có, chính vì vậy những con tàu đi ngang qua lúc này sẽ chìm xuống đáy biển chẳng khác gì một hòn đá. Có nhiều giả thuyết được đưa ra nhưng cho tới nay vẫn chưa có một kết luận chính xác.


Nhà họ Mục giờ trống không.


Chỉ trong một đêm, hai “đại gia” đã biến mất một cách bí ẩn, tài sản của họ cũng không cánh mà bay. Đáng tiếc, tôi lại không phải là một kẻ có đầu óc kinh doanh, lúc họ gặp nạn tôi chỉ mới mười bảy tuổi.


Tôi nghỉ học ở trường quý tộc, đến ở tạm trong khu phố ổ chuột này. Sáng nào đi vệ sinh tôi cũng phải đội một cái chảo sắt lên đầu, nhỡ đôi vợ chồng người Mỹ hàng xóm có cãi lộn nhau, chẳng may súng có cướp cò thì viên đạn đã xuyên qua tường cũng không bay thẳng vào đầu tôi. Chuyện này thỉnh thoảng vẫn xảy ra, vì vậy nên trên tường phòng vệ sinh của tôi đã có đến hơn chục cái lỗ đạn bắn rồi.


Nửa đêm tôi uống chút rượu mạnh, ngồi trong quán rượu ngứa ngáy chân tay nên tôi đã đánh nhau với một gã người Mỹ cao hơn tôi hẳn một cái đầu. Không còn nhà, không còn trường học, thứ duy nhất vẫn theo tôi chính là nắm đấm. Tôi không phải là một đứa trẻ ngoan, nói chính xác hơn là bắt đầu từ lúc tôi mười bảy tuổi đã không còn là một đứa trẻ ngoan. Hoặc cũng có thể trước khi được nhà họ Mục nhận nuôi tôi đã là một đứa trẻ hư hỏng. Tôi nghĩ dòng máu chảy trong người tôi chứa chất sự xấu xa, mặc dù họ luôn cố gắng nuôi dạy tôi thành một đứa trẻ ngoan ngoãn, có thân phận đàng hoàng.


Đúng là tạo hóa, năm 17 tuổi, tôi lại lần nữa trở thành một kẻ đầu đường xó chợ.


Ban ngày tôi nằm lì trong phòng ngủ cho đã mắt, sống lay lắt nhờ vào chút nước lã và bánh mì rẻ tiền. Năm giờ chiều tôi mới thức dậy, hút một điếu thuốc hiệu Camel, thỉnh thoảng cũng hút thuốc “Mai hoa vương” của Đài Loan. Dưới khu nhà trọ tôi sống có một cửa hàng nhỏ, chuyên bán lẻ các loại thuốc lá lậu. Khi mặt trời lặn, tôi đến một tiệm ăn của một người Việt Nam ở góc đường để mua một suất ăn nhanh rẻ tiền, ba hoa vài câu rồi đi ra ngoài. Tôi mặc một chiếc quần bò rách nát, đeo chiếc ghita cũ, liêu xiêu trên con đường đến quán rượu tên là BLACK. Bất kể là Celts hay Flamenco, chỉ cần có người yêu cầu là tôi sẽ hào phóng diễn tấu. Thỉnh thoảng tôi cũng diễn tấu nhạc Jazz với đôi chút tình cảm, nhưng thường là vào lúc nửa đêm yên tĩnh, quán rượu đã đóng cửa mà thôi.


Những người giàu có không bao giờ xuất hiện ở đây. Phần lớn đều là những kẻ thất nghiệp, những ả đàn bà mặt dày, những người làm du lịch hoặc những sinh viên nghèo, vì vậy chuyện chờ tiền boa cũng chỉ là mơ tưởng. Những năm gần đây, việc duy nhất mà tôi chăm chỉ làm chính là viết thư cho Cửu Dương, chưa bao giờ tôi quên làm việc này. Tôi muốn duy trì hình tượng một người anh trai tốt trong lòng của Cửu Dương. Đương nhiên tôi cũng không nói cho Cửu Dương biết tin dữ về bố nuôi của tôi. Tôi nghĩ, có được một thời niên thiếu yên bình cũng là một việc tốt đối với nó. Nó nên được hưởng những thời khắc tươi đẹp chứ không phải một cuộc đời tối tăm và thối nát như tôi.


Năm giờ sáng, tôi như con cá lang thang mệt mỏi trở lại căn gác hẹp của mình, đặt chiếc ghita xuống và vùi mình trong chăn, chìm vào giấc ngủ.


-Ấy, bảo bối à, chớ ngủ vội, ôm em cái đã nào!


Người đàn bà toàn thân nồng nặc mùi nước hoa rẻ tiền quàng tay từ phía sau, ôm chặt lấy người tôi.


Tôi quên mất không nói, sáu năm nay tôi sống chung với cô gái bar này. Tên cô ta là Đại Linh Tử, là một gái bar mà tôi đã “nhặt” về từ quán rượu BLACK sáu năm trước. Cô gái mắt một mí này có chân tay thuôn dài, mái tóc dài như rong biển thường khiến tôi liên tưởng đến mái tóc của những cô gái người da đen. Lần đầu tiên dẫn cô ta về nhà, giữa chúng tôi đã xảy ra chuyện đó. Kết quả là phấn mắt và mascara của cô ta đã dây hết lên chăn gối của tôi. Kể từ đó tôi đã “thiết quân luật” với cô ta: không rửa sạch mặt thì chớ leo lên giường của tôi!




-Đi rửa mặt đi!- tôi đẩy thân hình mềm như bún của cô ta ra.


-Mệt chết đi được! Để mai rửa cũng được mà!- cô ta nhõng nhẽo.
-Giờ đã là ngày mai rồi đấy! – tôi ra lệnh: -Đi rửa mặt ngay!


-Thế anh hôn em cái đã!


Tôi hôn lấy lệ lên lông mày của cô ta rồi mặc cho cô ta lăn xuống khỏi người tôi, liêu xiêu đi vào trong nhà vệ sinh.


Chúng tôi đều là những kẻ hạ lưu trong thành phố này, không có tiền bạc, không có người thân, không bạn bè, không uy tín, không có sự ấm áp. À, nhưng tôi còn có nỗi nhớ! Cửu Dương, người duy nhất ở trong nỗi nhớ của tôi, người em trai mà đã mười năm nay tôi chưa được gặp lại. Mỗi lần nhớ đến nó, tôi còn có thể thể hiện một chút cảm xúc ở trên mặt, cảm giác tươi mới ấy khiến cho tôi cảm thấy bản thân mình vẫn còn tồn tại.


-Rửa xong rồi!- Đại Linh Tử dò dẫm trong bóng đen và leo lên giường, thò tay cời khuy và khóa quần bò của tôi.


Tôi hốt hoảng gạt tay cô ta ra, quay người vào trong rồi nói: -Anh mệt rồi!
-Anh đã thờ ơ với em cả tháng nay rồi- cô ta hậm hực nói rồi nằm phịch xuống giường, nặng nề như một tảng đá từ trên cao rơi xuống rồi từ từ chìm vào giấc ngủ, chẳng mấy chốc còn ngáy khe khẽ nữa.


Chúng tôi đều rật mệt mỏi.


Phải sống đã là một việc hết sức mệt mỏi!



Tôi có thái độ vô cùng thờ ơ với cuộc sống, tất cả đối với tôi đều không có nghĩa lí gì cả. Tôi từng muốn làm một thanh niên tốt, nhưng đáng tiếc là tôi đã bỏ cuộc giữa chừng. Lại đến trưa rồi, tôi lảo đảo bò ra khỏi giường, vào nhà vệ sinh rửa mặt, phát hiện giờ mới có bốn giờ. Lạ thật, thường ngày phải năm giờ tôi mới tỉnh, mặt trời còn chưa lặn là chưa chịu mở mắt, hôm nay làm sao thế nhỉ?


Hình như có chuyện gì đó xảy ra rồi.


Tôi đẩy cánh cửa nhỏ nhà vệ sinh, kéo khóa chiếc quần bò đã đen sì sì vì bẩn…tiếng nước róc rách không đẩy lui được cơn buồn ngủ của tôi. Đại Linh Tử đã trườn đến nhanh như một con rắn. Cô ta tì cằm vào vai khiến cho vai tôi bị đau. Tôi nhún vai rồi đẩy cô ta ra.


Cô ta chẳng chút phật ý, vui vẻ đặt lên má trái của tôi một nụ hôn: -Chào buổi sáng, anh yêu!


Chuẩn bị hoàng hon đến nơi rồi, nhưng giờ mới là buổi sáng của chúng tôi. Đúng là có chút đau lòng!


Đại Linh Tử ưỡn ẽo thân hình sexy của mình đi ngang qua trước mặt tôi, mở vòi nước xối thẳng vào người. Chỉ cần vào đến căn phòng này à trên người cô ta chẳng có lấy một mảnh vải che thân. Cô ta luôn “hào phóng” khỏa thân trước mặt tôi, trước mặt những thằng đàn ông khác có như vậy không thì thực sự tôi không rõ lắm. Những chuyện có liên quan đến cô ta tôi không mấy quan tâm. Tôi vẫn thản nhiêm châm một điếu thuốc Camel rồi vừa rít thuốc vừa cạo râu. Trên tấm gương phản chiếu thân hình của Đại Linh Tử, eo của cô ta thật gợi cảm, cong và mềm mại tựa như một dải lụa mềm tuyệt đẹp. Tôi đã phát hiện ra điều này ngay từ cái ngày cô ta bám lấy tôi. Nhưng đáng tiếc là giờ nó không còn đủ sức hấp dẫn tôi nữa rồi.


Có đôi lúc tôi cũng muốn thoát khỏi kiểu sống này, nó làm tôi chán ngấy!
Lúc tôi đã đói mềm lại không thể nuốt được thức ăn, lúc dạ dày trống rỗng tôi thường cảm thấy buồn nôn. Tôi nghĩ rằng cuộc đời này thế là hết rồi, không còn chút hi vọng, sống chẳng khác gì một con chó lang thang, không ăn uống ỉa đái thì lại say mềm, đánh nhau như điên như dại…Chỉ có Cửu Dương, chỉ khi nghĩ đến nó, trái tim tôi mới thấy có chút ấm áp. Nó chưa từng bị vấy bẩn, tôi nghĩ chắc là đôi mắt của nó sẽ trong veo như làn nước.


-Anh yêu, em không thể chịu nổi điệu bộ nheo mắt cạo râu của anh nữa rồi, quyến rũ quá đi mất!- Đại Linh Tử áp sát tấm thân trơn như cá trạch vào người tôi. Tôi có thể cảm nhận được những cử động mơn man của cô ta trên người mình.


-Tránh xa anh ra, dao mới mua, sắc lắm đấy!- không hiểu tại sao tôi lại nảy sinh cảm giác chán ghét này. Không phải là chán ghét cô ta, mà là chán ghét bản thân mình.


-Anh chán em rồi?- Đỗ Tích Nhược chất vấn, mũi hít hít khắp người tôi.


-Cô tìm cái gì?- tôi chán nản nhìn vẻ mặt buồn rầu của cô ta: -Tôi nằm ngủ với cô cả đêm, cho dù có mùi lạ cũng bị cô thổi bay rồi!


Những lời nói quá quắt như thế này tôi đã nói không biết bao nhiêu lần. Nhưng lần này, thật kì lạ là cô ta không đập phá đồ đạc mà chỉ châm một điếu thuốc rồi ngồi bên cửa sổ nhả khói.


-Đừng ngồi bên cửa sổ như vậy, căn phòng này không ở vị trí bắt mắt đâu…- tôi đả kích: -Cô chẳng kiếm ăn được đâu!


-Anh có để bụng chuyện người khác nhìn em không?-Đại Linh Tử nheo mắt nhìn tôi.


-Cho họ nhìn!- tôi cầm khăn mặt lau cằm, ném đầu lọc vào trong thùng rác rồi đi ra giường nằm.


-Anh ngồi dậy đi!- cô ta đá đá vào người tôi, cô ta nắm lấy ga giường, cố sức hất tôi xuống.


-Cô làm cái gì thế hả?- tôi bực mình ôm chặt lấy gối.


-Hôm nay anh phải ăn diện cho đẹp một chút!- nói rồi không để tôi kịp hỏi, cô ta đã lột sạch quần áo của tôi rồi.




Tôi nheo nheo mắt nhìn cô ta. Hôm nay cô ta chải chuốt khá xinh đẹp, không còn tô mắt đen sì như mấy cô ca sĩ ở quán rượu nữa.


-Cô bệnh à?


-Dậy đi!- cô ta ném cho tôi một túi quần áo từ trên ghế sô pha và bảo: -Mặc vào đi!


Giở ra xem, hóa ra là một bộ quần áo comple màu nâu nhạt, trông có vẻ không phải là đồ rẻ tiền.


-Ở đâu ra thế?-Tôi nhìn cô ta bằng ánh mắt dò xét.
-Cho anh mười phút để mặc vào, nếu không em quyết không tha cho anh!
Cô ta lao đến cắn vào tai tôi, tôi biết ám hiệu này có nghĩa gì, đành đầu hàng: -Ok! Tôi mặc!
Sau khi mặc quần áo nghiêm chỉnh, cô ta khoác lấy cánh tay tôi như một cô gái đàng hoàng: -Em đã đặt nhà ăn, hôm nay chúng ta sẽ đi ăn ở nhà hàng Marsaxlok.


Sao cũng được, muốn ăn ở đâu thì ăn!


Tôi thờ ơ ngồi ăn. Bữa ăn này ngốn mất cả tháng lương của tôi, đủ để ăn hai tháng cơm hộp ở hàng ăn Việt Nam thường ngày tôi vẫn ăn. Hôm nay cô ta làm sao vậy nhỉ?


-Anh yêu, hôm nay là sinh nhật của em, chúng ta phải vui vẻ một chút mới được!


Tôi ngẩn người.
Ánh nến lung linh khiến cho tôi nảy sinh ảo giác, tôi có thể nhìn thấy ánh hào quang màu xanh tươi mát phát ra từ đôi mắt của cô ta. Lần đầu tiên tôi phát hiện ra rằng người đàn bà này cũng có tố chất trở thành một người tử tế, mặc lên người một chiếc váy hoa thêu ren, cô ta bỗng rùng mình trở thành một phu nhân cao quý.




-Thực ra theo anh là thiệt thòi cho em!- tôi biết hoàn cảnh của Đại Linh Tử. Cô ta vốn là sinh viên du học Mỹ, chỉ có điều vì gánh nặng kinh tế đã bức bách cô ta phải trở thành gái bar. Tôi nói: -Với nhan sắc và thân hình đó, em hoàn toàn có thể lấy được một thằng đàn ông có điều kiện khá giả. Ít nhất cũng có nhà cửa, không cần phải cùng anh chen chúc trong căn gác nhỏ cũ nát ấy!


-Mục Nhất Dương!- cô ta trịnh trọng gọi tên tôi. Đại Linh Tử hình như đã ngà ngà say, khuôn mặt đã ửng đỏ, ánh mắt kì lạ khiến cho người khác không hiểu cô ta đang nghĩ gì:-Cả đời này em chỉ yêu một mình anh!


Hai li rượu chạm vào nhau, lưỡi của tôi dường như đã không nếm ra được mùi vị gì nữa rồi.


Thực ra tôi không hiểu được người đàn bà ấy. Cô ta muốn cái gì tôi không sao biết được, cũng chẳng hề quan tâm. Chúng tôi chỉ có nhu cầu về sinh lí, số lần nói chuyện với nhau còn ít hơn số lần làm tình.
Cô ta say rồi.


Một người đàn bà say rượu thường trở nên vô cùng quyến rũ, ít nhất thì cô ta cũng không la lối om sòm như những người phụ nữ ghê gớm khác. Khuôn mặt trái xoan đỏ ửng, đôi môi căng mọng và ướt át. Đỗ Tích Nhược lảo đảo dựa vào người tôi, miệng lảm nhảm gì đó mà tôi không sao hiểu nổi.


Lúc trở về, tôi đột nhiên hiểu ra dự cảm của mình lúc buổi chiều.
Đây có lẽ là cái sinh nhật cuối cùng tôi ở bên Đại Linh Tử. Thế là tôi ôm chặt lấy eo cô ta, điên dại hôn lên đôi môi căng mộng. Dường như cuộc mây mưa này nóng bỏng hơn bất kì cuộc mây mưa nào của chúng tôi trước đây.


Tôi phải ra đi rồi.


Tôi phải đi đón Cửu Dương.


Còn đối với Đại Linh Tử, tôi chỉ là một vị khách qua đường trong cuộc đời của cô ta. Sau này cô ta sẽ tìm được một người ở chung mới, tìm thấy một người đàn ông làm chỗ dựa cho mình. Tôi nghĩ như vậy đấy. Lúc ra đi tôi cũng không hề nói với cô ta.


Không biết Cửu Dương có đang đợi tôi không.


Còn tôi, đang nóng lòng trở về.


Tôi đến Bắc Kinh trong một ngày gió thu xào xạc, đứng ngây người hồi lâu trước quảng trường Thiên An Môn. Những người qua đường ai nấy sắc mặt xanh xao, quệt vào vai tôi lúc đi ngang qua. Tôi giống như một trục trung tâm của một đường tròn, chỉ có điều chẳng có ai để ý đến tôi cả.


Hóa ra li biệt rồi lại trùng phùng chẳng hề dễ như tôi từng tưởng tượng.


Khi tôi vượt muôn trùng xa cách để trở lại Trung Quốc, chỉ tìm thấy ảo giác đan xen của thời gian mà không hề gặp lại Cửu Dương.


Tôi hỏi thăm người qua đường ở một ngõ nhỏ trong phố Cửu Nhai của huyện An Khánh: -Xin hỏi tại sao


người nhà họ Bạch lại không sống trong căn nhà số 47 nữa ạ?
Người qua đường nói:- Họ chuyển đi từ hai năm trước rồi!


-Chuyển tới đâu ạ?


Hình như là cả nhà chuyển đến Bắc Kinh, họ phát tài rồi mà, đương nhiên phải chuyển đến sống trong thành phố lớn chứ?- người đó nói bằng giọng điệu mỉa mai.


-Vậy khi cả nhà họ chuyển đi, ông có nhìn thấy một cậu bé khoảng 16 tuổi không? Trên cằm trái đến cổ của nó có một vết sẹo to màu đỏ do bị bỏng”.


Một người nữa đi ngang qua nói: “Cậu bé á? Nhà họ chỉ nhận nuôi có một cậu bé thì phải! Nhưng hình như không có vết sẹo nào như thế cả! Tôi cũng không rõ lắm, người nhà họ rất thích nói khoác mà!- nói rồi người đó lại quay sang hỏi người kia: -Ai bảo họ phát tài rồi? Người đó nói mà ông cũng tin à? Nếu phát tài thì đã chẳng mất trắng cơ nghiệp!- hai người đó nhìn tôi bằng ánh mắt thật kì lạ rồi lắc đầu bỏ đi.


Không hỏi thăm được tin tức đáng tin cậy, tôi hoang mang không biết phải làm sao?


Cửu Dương, đứa trẻ đã gặp đủ tai họa ngay từ trong bụng mẹ, liệu có ai biết được tin tức về em hiện nay không?

Giang Nam có thể coi là một mảnh đất mưa thuận gió hòa, cỏ cây tươi tốt. Cơn mưa dịu dàng của Giang Nam không thể níu giữ bước chân anh. Anh đến đây là để tìm em! Nhưng giờ em đang ở đâu?

Em đang ở đâu?

Anh dừng chân trên đường Thanh Thạch Bản, ngây người nhìn ngắm những vũng nước đọng trên mặt đường.

Đến nhà họ Mục được một năm anh đã biết, nhà họ Mục có một đứa trẻ bất hạnh. Bố nuôi dắt tôi đến trước cái nôi và bảo tôi nhìn nó. Cậu bé yếu ớt kia thật là tội nghiệp. Bên má trái, dưới cằm, trước ngựa, cả cánh tay trái của nó đều bị lửa thiêu để lại những vết sẹo đỏ ỏn, lớp da bị bỏng nhăn nheo. Đứa trẻ đó yếu ớt đến nỗi không thể khóc thành tiếng.

Đó là một đứa trẻ mới sinh, nó đến với thế giới này chỉ mới được có vài ngày, sao lại có người tàn nhẫn đối xử với nó như vậy nhỉ? Mọi ân oán trên đời này đều là do những người trưởng thành gây ra, nhưng bi kịch lại xảy đến với một sinh linh bé nhỏ và yếu ớt, khiến cho người ta cảm nhận được tận cùng của nỗi đau.

Mục Hoa Nhiên là bố nuôi của tôi, tổ tiên từ đời nhà Thanh đã làm nghê buôn bán tơ lụa. Gia nghiệp được truyền lại cho đến tận đời của ông, tiếng tăm vang lừng khắp nơi. Các cửa hiệu buôn bán của ông không thể đếm hết bằng đầu ngón tay. Bố nuôi tôi có đầu óc nhanh nhạy của một người làm ăn buôn bán, khi trào lưu buôn bán với nước ngoài ở trong nước vẫn còn chưa phát triển thì ông đã làm ăn với rất nhiều thương gia nước ngoài. Tuy nhiên, xưa nay những người tài giỏi thường không được lòng người, nghĩa phụ là một cây đại thụ trong giới thương nhân, đương nhiên khó tránh khỏi có kẻ tìm cách hãm hại ông.

Năm đó, nghĩa phụ liên tiếp nhận được mấy đơn đặt hàng của nước ngàoi. Con người ta cứ uống rượu vào là lâng lâng, có người nịnh nọt, có kẻ đố kị….vô tình bố nuôi tôi đã gieo rắc mầm họa cho chính mình. Kẻ đó miệng nam mô bụng bồ dao găm. Hắn cố ý giới thiệu cho bố một người phụ nữ xinh đẹp và khéo ăn nói. Bố nuôi tôi nào ngờ tự rước họa vào thân. Ban đầu ông tìm cách giấu diếm người vợ đang mang thai sáu tháng của mình. Nào ngờ người đàn bà ấy cực kì nham hiểm, bỏ tiền thuê người tạt axit vào người vợ đang mang thai bảy tháng của bố nuôi, khiến toàn thân bà bị thương tật đến tám mươi phần trăm, đáng nói hơn nữa chuyện này còn gây nguy hiểm cho cái thai ở trong bụng của bà. Vì vậy, lần đầu tiên đến nhà họ Mục, tôi đã nhìn thấy một sinh linh yếu ớt được bọc kín trong tã, còn cả một người phụ nữ bị thiêu đốt đến không còn hình người.

-Bà ấy bị điên rồi!- nghĩa phụ đau xót nói với tôi.

-Mẹ nuôi chắc là đau đớn lắm!- tôi nhìn người phụ nữ điên khùng băng bó khắp người, trên ga trải giường còn dính đầy thuốc tím và chất dịch chảy ra từ những vết thương, nụ cười trên khuôn mặt của bà ngây ngô như một đứa trẻ.

-Là bố có lỗi với mẹ con!- khuôn mặt ông ánh lên sự hối hận và đau khổ.

-Mẹ đã thành ra như thế này rồi, vậy thì đứa bé kia thì sao?- Không có mấy người phụ nữ có thể chịu đựng được hoàn cảnh này. Đây không chỉ là nỗi đau đớn trên cơ thể, nó còn là sự tuyệt vọng khi dung nhan bị hủy hoại hoàn toàn.

-Bố dẫn họ đến Mỹ là để mời những bác sĩ ngoại khoa tốt nhất để điều trị cho họ!. Thế nhưng mẹ đã bị tâm thần, đứa bé không những không được bú sữa mẹ mà lúc nào cũng hoảng hốt. Mẹ con liền khúc ruột, lúc mẹ phát bệnh chắc là đứa bé cũng sẽ cảm nhận được, toàn thân nó sẽ co giật!

-Bố có thuê người chăm sóc nó không?- tôi đưa tay vuốt ve đứa trẻ non nớt trong nôi, trong lòng tràn đầy sự xót xa và tội nghiệp. Tôi tự cảm thấy bản thân mình may mắn hơn nó nhiều.

Bố nuôi nhìn tôi, thở dài nói:- Bố sẽ thuê người chăm sóc nó một thời gian, đợi nó lớn một chút sẽ đưa nó về Trung Quốc, mang gửi người thân chăm sóc. Hi vọng nó có thể tiếp thu nền giáo dục truyền thống của Trung Quốc.

-Con có thể chăm sóc cho em!- tôi nói như vậy nhưng trong lòng cũng không dám chắc chắn là mình có thể làm được.

Bố lắc đầu: - Bản thân con cũng chỉ là một đứa trẻ. Bố sẽ luôn coi con như con đẻ, đợi sau khi con trai của bố về Trung Quốc, bố hi vọng bên cạnh vẫn còn có người tâm sự với mình!
Bố nuôi đã nhặt tôi về, có lẽ là do tình thương đồng bào. Nhiều lúc tôi không sao hiểu được người đàn ông này, dường như ông ấy rất yêu thương vợ con. Nhưng có những lúc tôi cảm thấy ông ấy yêu việc làm ăn buôn bán, yêu tiền của mình hơn.

Sau khi Cửu Dương được chín tuổi, nghĩa phụ đã cho người dẫn nó về Trung Quốc thật, còn bản thân ông vẫn mải mê với công việc ở châu Âu. Sau khi Cửu Dương về nước được bốn năm, bố nuôi đã sống chung với một phụ nữ gốc Hoa. Người vợ cũ đã được ông đưa vào viện tâm thần. Ông dùng tiền giải quyết những thứ rườm rà. Ông nói là ông đã mệt mỏi rồi, một người sống trong sự tự trách và ăn năn thực sự quá đau khổ, giờ ông muốn bắt đầu lại một cuộc sống mới. Dần dà, tôi không còn nghe thấy cái tên Cửu Dương được thốt ra từ miệng của bố nuôi nữa, cứ như thể đứa bé ấy đã hoàn toàn biến mất khỏi cuộc sống của ông vậy. Tôi không thể đoán được ông ấy là người xấu hay người tốt, nhưng nói chung là bọn họ đối xử với tôi không tồi.

Sau khi trưởng thành, tôi bắt đầu nhớ nhung khôn xiết đối với đứa em trai không cùng máu mủ với mình, bởi vì tôi tồn tại trong một hoàn cảnh cực kì rối ren và phức tạp. Tôi nhớ đến sự thuần khiết, nhớ đến đôi mắt trong veo, nhớ giọng nói lảnh lót của nó. Lần đầu tiên nhìn thấy nó chập chững tập đi, bi bô học nói trước mặt tôi, trái tim tôi bỗng trở nên yếu mềm, thậm chí còn ấm áp hơn cả ánh mặt trời chiếu sáng trên đỉnh núi tuyết. Đứa bé ấy….xinh đẹp và trong sáng như vậy đấy.

Nhưng đến nay, tôi đã mất dấu của nó trong dòng người đông đúc….

Lúc này đang là mùa hạ năm 1997, tôi đứng ngây người trước trạm đón khách của Bắc Kinh. Trên đường xe cộ đi lại tấp nập, đèn đóm sáng trưng, đèn màu liên tục nhấp nháy…nó hoàn toàn khác biệt với một thành phố trái tim của Trung Quốc theo những lời kể của du khách nước ngàoi. Nói như cách của người Bắc Kinh thì: Mười năm trước và mười năm sau, mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi. Sự phát triển kinh tế, văn hóa với tốc độ cao, thậm chí ngay cả ngành du lịch dịch vụ cũng chẳng có liên quan gì đến tôi hết. Tôi không phải về đây để thăm quan. Số tiền không nhiều còn lại không đủ để tôi có thể thuê một phòng nghỉ, vì vậy tôi phải tìm một công việc càng nhanh càng tốt. Sau đó tôi tìm được một công việc trong cửa hàng ăn uống. Sau khi kí hợp đồng với công ty, thời gian đi làm của tôi được ấn định vào lúc 5 giờ chiếu đến 11 giờ đêm. Như vậy tôi có thể dùng thời gian ban ngày để đi tìm người tôi muốn tìm.

Mặc dù hi vọng này cực kì nhỏ nhoi.

Nơi tôi làm việc ở gần đồn Tam Lí trên đường Đông Ngũ, ở đây có rất nhiều đại sứ quán của các nước như Thổ Nhĩ Kì, Camerun, Aghentina…Tôi thường xuyên nhìn thấy người nước ngoài đi lại ở đây, nhưng tôi vẫn chưa thể tìm thấy người mà tôi luôn mong nhớ.

Tôi cảm thấy thật là đáng tiếc.

Tìm kiếm như thế này vừa mệt mỏi lại phí công vô ích, chẳng khác gì mò kim đáy bể. Muốn tìm được Cửu Dương ở trong thành phố Bắc Kinh rộng lớn này khó chẳng khác gì tìm đường lên trời.
Nhưng mà tôi quyết không từ bỏ!

Trong sự mông lung dường như có một thứ cảm giác luôn dẫn đường cho tôi. Tôi có cảm giác như Cửu Dương đang ở một nơi nào đó không xa trong thành phố này. Ngày nào tôi cũng nhìn kĩ những người đi ngang qua tôi. Bọn họ đều khác hoàn toàn với một Cửu Dương trong kí ức của tôi. Tôi không ngừng cười nhạo bản thân, thời gian như cái bóng lướt qua khe cửa, chớp mắt mà chúng tôi chia li đã mười mùa đông rồi, Cửu Dương chắc đã không còn là cậu bé nhút nhát, hay xấu hổ năm xưa nữa, có lẽ giờ nó đã là một cậu trai mới lớn rồi. Hết cười nhạo tôi lại tự an ủi bản thân, thế nào mình cũng sẽ tìm ra được Cửu Dương…



Khi mùa đông đến, tôi chuyển nhà một lần. Khi tôi lôi cái va li cũ kĩ đến một con phố cũng cũ kĩ không kém, từ phí cuối ngõ bỗng nhiên có một đám trẻ con chạy ùa ra. Tôi kinh ngạc nhìn theo bọn nhóc cho đến khi chúng chạy biến mất trong ngõ hẽm. Lúc ngoảnh đầu lại, tôi nhìn thấy anh ta. Anh ta mặc một chiếc áo bông bị rách hai chỗ, đám bông ở bên trong áo cứ thi nhau lòi hết cả ra ngoài qua hai cái lỗ ấy. Anh ta tập tễnh đuổi theo đám trẻ con, vừa đuổi vừa quát: -Lũ thỏ đế, có gan thì chớ có chạy, tao giết chết cha chúng mày bay giờ!- Tôi nhìn cậu thiếu niên đi ngang qua mình, máu từ trên mũi cậu ta đang chảy ra. Tôi khẽ thở dài, ở nơi này, mặc dù chỉ cách con đường bên cạnh với những tòa nhà cao tầng đẹp đẽ, những nhà hàng, khách sạn sang trọng có một cái ngõ nhỏ mà hai con đường như hai thế giới hoàn toàn cách biệt.

Đây là Bắc Kinh, là nơi tôi hướng về, nơi tôi biến mất, nơi tôi ôm ấp, nơi tôi lẩn tránh, nơi tôi yêu thương bất chấp sống chết….

Sau khi đến đây tôi mới biết rằng Bắc Kinh có rất nhiều khách vãng lai. Nghe nói mỗi năm đều có rất nhiều người chết tại Bắc Kinh. Nhưng tôi vẫn đến đây, thậm chí loáng một cái đã ở đây được hai năm rồi.


Cuối năm 1999, trước thềm thiên niên kỉ mới, đâu đâu cũng thấy con người tổ chức ăn mừng. Tôi đã chuyển từ đồn Tam Lí đến Đông Tam Hoàn, chuyển đến làm thuê cho một quán ăn hương vị Đông Nam Á. Sau ba giờ chiều chính là thời gian nghỉ ngơi, trong quán ăn không có khách. Tôi ngồi vào bàn hướng về phía mặt trời và nghịch những sợi dây đàn. Người bạn duy nhất của tôi hai năm nay chính là cây đàn ghi ta này.

Cậu Tam đang quét dọn đột nhiên lao ra cửa và hét lên: -Đi đi đi! Không có tiền mua thì chớ xuất hiện ở đây, nước dãi đang chảy ra rồi kìa!

Tôi ôm cây ghi ta chạy ra xem. Bên ngoài cửa là một thân hình nhỏ thó, gầy guộc đang run rẩy trong gió rét. Đó chính là một cô gái khoảng mười bốn, mười năm tuổi. Toàn bộ sự chú ý của cô bé ấy đều tập trung trên những bức ảnh chụp các món ăn ngon dán trên cửa kính của cửa hàng, cổ họng liên tục nuốt nước bọt, đôi mắt thèm khát như đang phát ra hào quang ánh sáng.

Cậu Tam ra sức đuổi cô bé đó như đuổi ăn mày.

Tôi giơ tay ra chặn cậu ấy lại rồi bảo: -Hình như là cô bé này đói lắm rồi!

-Không phải anh định giữ nó lại đấy chứ? –Cậu Tam bĩu môi hỏi.
Tôi ngẩn người ra chốc lát, đúng lúc cô bé đó ngẩng đầu lên nhìn tôi. Toàn thân tôi bỗng nhiên run rẩy.

Trái tim đã tê dại rất lâu rồi của tôi bỗng nhiên xao động. Tại sao? Cô bé đó có gì đặc biệt mà lại có thể làm rung động trái tim tôi?

Đôi mắt của cô bé chăng?

Có lẽ là do ánh sáng phản chiếu từ đôi mắt lạnh tanh của cô bé đó. Ánh mắt lạnh băng và trong veo như làn nước, thậm chí còn tinh khiết hơn cả lớp tuyết trắng tinh quanh năm bao phủ trên đỉnh núi Tanggula. Trong đầu tôi cố sức tìm kiếm một thứ gì đó giống như vậy, một thứ gì đó đã từng làm lay động trái tim tôi. Cuối cùng tôi phát hiện ra ánh mắt ấy cực kì giống với ánh mắt của con mèo hoang mà tôi đã từng nhặt nuôi. Tôi cứ tưởng rằng mèo là một loài vật kì lạ, lạnh lùng và khó gần, thế nhưng trước bảy tuổi tôi đã từng nhặt nuôi một mèo nhỏ màu trắng gầy yếu. Lúc ấy còn mèo đói lắm rồi. Tôi liền nhặt một cái thùng giấy bỏ đi rồi mang nó về nhà, hi vọng mẹ sẽ cho nó một chút cơm để ăn. Mẹ cho tôi một bát cơm đầy và nửa con cá nhỏ, tôi ngồi bên góc tường và nhìn con mèo ăn ngấu nghiến cho đến khi trong bát cơm không còn thừa lấy một hạt.

Thế nhưng tôi không thể nuôi nó. Ngoài việc cho nó một bữa cơm no ra, tôi không thể cho nó bất kì thứ gì khác.

-Tại sao không thể nuôi nó ạ?- tôi vật nài van xin mẹ, hi vọng mẹ sẽ đồng ý cho tôi giữ nó lại.

-Trong nhà không có nhiều thức ăn để nuôi nó, chúng ta phải mang nó đi cho người khác thôi!- mẹ ra lệnh, và tôi không thể không nghe. Tôi lại nhét con mèo con vào trong thùng giấy, hậm hực đặt nó ở một nơi rất bắt mắt trên đường, hi vọng có người qua đường nào đó tốt bụng sẽ nhặt nó về nuôi. Nửa đêm trời đổ mưa, cái lạnh của những cơn mưa mùa thu như ngấm vào sâu trong da thịt. Tôi trằn trọc không sao ngủ được. Màn đêm bên ngoài phản chiếu cái bóng đen sì của tôi trên cửa kính. Tôi không thể nhìn thấy bóng dáng của con mèo nhỏ ấy nhưng dường như lại nghe thấy tiếng kêu thảm thiết của nó. Tiếng kêu ấy từ từ bóp nghẹt trái tim tôi, khiến cho tôi cảm thấy vô cùng bất an, dường như nó đang oán trách tôi, tại sao lại cứu nó, tại sao lại cho nó hi vọng? Cho nó một bữa cơm rồi lại mang vứt bỏ nó, đó chính là sự phản bội vô tình trước sự tín nhiệm của nó. Đại Linh Tử cũng từng oán trách tôi, nói rằng tôi chỉ có sự thương hại mà không có trách nhiệm, thường xuyên bố thí và phản bội người khác.

Tôi cười cay đắng, lẽ nào tôi lại đang muốn bố thí và phản bội cô bé này giống như con mèo nhỏ năm đó? Không, tôi không muốn như vậy. Như thế chẳng khác gì nhìn thấy một người đang lơ lửng trên vách núi, vật lộn giữa sự sống và cái chết, bản thân mình vươn tay ra kéo cô ấy lên nhưng lại bỏ cuộc giữa chừng vì mình không có đủ khả năng. Điều này thậm chí còn tàn nhẫn hơn cả việc nhắm mắt bịt tai coi như không nhìn thấy. Nếu như không giúp được thì đừng giúp, mang cho cô ấy hi vọng rồi lại phản bội niềm tin của cô ấy, như vậy càng đáng ghét hơn!

Tôi vỗ vai cậu Tam rồi không nói gì thêm mà quay người bỏ đi.
Gần nửa đêm, cửa hàng dần dần vắng khách. Tôi cất cây ghi ta của mình rồi đi xuống khỏi sân khấu. Cậu Tam vừa thu dọn bàn ghế vừa bĩu môi nói với tôi:

-Con nhóc đó vẫn chưa đi đâu!

Tôi ngoảnh đầu lại, nhìn thấy bên kính cửa sổ là một cái bóng bé nhỏ đang co ro…-Tôi đi ra ngoài hút điếu thuốc!- tôi đeo cây đàn ghi ta lên vai rồi đẩy cửa ra ngoài. Một cơn gió lạnh luồn vào cổ tôi khiến tôi bất giác rùng mình. Lạnh quá! Sắp đến tết rồi, bầu trời âm u đang có dấu hiệu của những trận tuyết.
Tôi sờ vào túi áo trước ngực, lôi ra một hộp thuốc, nhìn thấy bên trong chỉ còn sót lại một điếu duy nhất. Đang định ra ngoài mua một bao thuốc, vừa xuống đến bậc cầu thang đã đụng mặt cô bé đó.
Đáng ghét thật, đừng dùng ánh mắt đang thương đó nhìn tôi!

Tôi ngầm chửi rủa ở trong lòng, bởi vì tôi không thể chịu đựng được ánh mắt đó. Ánh mắt trong veo và đáng thương ấy, hai con ngươi to tròn khiến cho tôi chợt nhớ đến Cửu Dương.

Đôi chân tôi bất giác hướng về phía cô bé đó, tôi khẽ nói: -Muốn ăn gì đó thì theo tôi!- cuối cùng, tôi vẫn làm chuyện ngu ngốc đó! Cũng giống với như lúc trước với con mèo hoang nọ, tôi không hề nghĩ đến việc tiếp theo sau khi cho cô bé này một bữa ăn.

Tôi dẫn cô bé này ra nhà bếp phía sau, tìm một phần cơm cà ri mà thực khách gần như không hề động đũa cho cô bé đó. Cô bé ăn ngấu nghiến giống hệt như con mèo hoang năm nào, chắc là cô bé này đói lắm rồi!

Đúng lúc ấy cậu Tam đẩy xe chở dụng cụ ăn vào, hết nhìn cô bé lại nhìn sang tôi: -Anh đúng là một “người tốt bụng” đấy!- tôi biết đó là một lời mỉa mai, ý của cậu ta là: “Anh chớ có tự gây phiền phức cho bản thân!”

Nhìn đĩa thức ăn sạch trơn, tôi hỏi cô bé đó:

-Đã no chưa?

Cô bé gật đầu.
Nhưng dường như cô bé này chẳng có ý định rời đi. Tôi không đủ nhẫn tâm để đuổi những người như thế này, thế nên đành chọn cách không đếm xỉa gì đến cô bé đó nữa rồi một mình đi ra đằng sau. Phía sau nhà ăn là một khu nhà trọ cho nhân viên của cửa hàng, tôi giờ chỉ muốn quay về với cái phòng nhỏ của mình. Vừa lấy chiều khóa mở cửa tôi đã nhìn thấy cô bé đó đang ngây người đứng phía sau tôi.

-Sao vẫn còn chưa đi?- tôi hỏi.

Cô bé lắc đầu.

-Không có nhà để về?- tôi hỏi tiếp, hỏi xong mới phát hiện ra câu hỏi này thật ngốc nghếch. Nếu như không phải cô bé không có nhà để về thì đâu cần phải đi ăn xin?

Cô bé đó vẫn lắc đầu.

-Câm à?- tôi thấy trong lòng có chút khó chịu. Cô bé đó không gật đầu nhưng cũng không lắc đầu, chỉ im lặng nhìn tôi. Tôi mở cửa bước vào nhưng không khóa cửa lại. Cô bé đó vẫn đứng bên ngoài cửa, không bỏ đi nhưng cũng không bước vào phòng.

Thật là giống một con mèo hoang.
(Còn nữa)
 
Back
Top