Xuân về sớm từ đảo Long Sơn

[Mr.P]

New member
[DOWNLOAD] [/DOWNLOAD]

1. “Trí tưởng tượng phong phú, liên tưởng tốt”. Nhiều lần trong bài kiểm tra môn làm văn thời đi học của tôi đã được thầy cô phê, đại ý như vậy.
Phải nhắc lại để đóng dấu đỏ cho khẳng định bán cầu não phải của tôi phát triển không tệ, hay nói cách khác tôi thuộc loại người có trí tưởng tượng không tồi. Ấy vậy mà tôi chưa bao giờ mảy may ý định hay tưởng tượng một ngày mình sẽ sống và làm việc tại Bà Rịa.

ImageView.aspxThumbnailID539887

Minh họa: Nguyễn Thanh
Bà Rịa, với tôi, cách Hà Nội khoảng 55 centimet, là trên bản đồ tỉ lệ 1: 2.200.000. Chấm hết. Đôi lần nhìn xuống góc biết được tỉnh có diện tích gần 2.000 kilômet vuông, dân số gần trăm nghìn người. Đấy là bản đồ in năm 2005. Tới giờ chắc đất không nở ra nhưng dân số thì không còn giậm chân tại chỗ như vậy nữa. Nói điều đó để thấy tôi chẳng biết gì về Bà Rịa. Ấy vậy mà cầm tấm bằng cử nhân, tôi rơi tự do xuống Bà Rịa, cứ như trên trời rơi xuống.
2. Bà Rịa mênh mang nắng và nồng nàn gió. Nắng dìu dịu và gió miên man. Chứ không phải thứ nắng cháy mặt, gió rát lưng như ở miền Trung quê tôi. Tôi đã nghĩ thế khi chạm chân tới mảnh đất này.
Với bản tính tò mò nguyên thủy của họ nhà… người, tôi quyết định sẽ sục sạo khắp nơi đây khi cả miền Đông đã đi qua mùa mưa. Nào ngờ…
Tôi vừa trôi xe qua cầu Bà Nanh với tinh thần phấn chấn, sảng khoái thì trời như sụp xuống ngang mặt. Và mưa. Và đì đùng sấm chớp. Không mất quá ba phút để dừng xe, mang áo mưa vào người. Nhưng ngồi lên xe rồi thì chịu. Tôi không thể chạy xe tiếp. Cặp mắt kính 5 điôp hại tôi. Với kiểu mưa xối xả này, với đôi mắt này, tôi có thể chạy xuống… âm phủ, nếu liều mạng chạy xe tiếp. May thay có trạm chờ xe buýt ngay cạnh, tôi đành tấp xe vào chờ trời tạnh. Trước mắt tôi là một màu trắng xóa mưa giăng.
3. Quả thật, tôi chưa quen với lối mưa miền Nam kiểu này. Ầm ào và dữ dội. Mưa bất ngờ, nhanh như đánh du kích. Đang nghĩ liệu mưa nhanh rồi có đi nhanh như đã từng nghe nói không thì có chiếc xe máy dừng ngay trước mặt. Một hình nhân bước xuống xe. Tôi nói là hình nhân bởi chỉ chắc chắn không phải là… ma, khi thấy hình nhân lùng bùng trong chiếc áo mưa cánh dơi và bắt đầu gỡ kính xuống. Có tiếng “chào anh” thoát ra từ phía ấy.
Trời ơi, là một cô gái, tôi reo lên trong đầu. Thấy em gỡ mắt kính ra lau, tôi nghĩ chắc em cũng sợ chạy xuống… âm phủ giống mình nên liền bắt chuyện.
- Em cũng bị cận nên không chạy xe được trong mưa à?
- Không. Đây là mắt kính đi bụi. Sấm chớp ghê quá, chạy xe em sợ… sét đánh.
Nói rồi em nheo mắt cười. Tôi không biết lời em nói là thật hay là đùa. Con gái mà nói đùa có chủ đích thì không biết đằng nào mà lần. Nhất là một cô gái đẹp. Tôi đang thoáng phân vân không biết phải nói câu gì tiếp theo thì lại có tiếng em.
- Anh đứng lùi ra đầu kia chút đi. Người ta nói trời sấm sét mà tụ tập nhiều người cũng dễ bị sét đánh.
Thấy em tiếp tục lối nói ấy, tôi chỉ còn biết cách vào hùa kiểu… tưng tửng:
- Có vẻ như em sợ chết. Thường những người hay làm việc mờ ám mới sợ trời đánh kiểu không hẹn giờ. Nhưng em yên tâm, ông trời cũng có mắt. Đứng cạnh anh chắc chắn không sao.
- Ý anh nói trời sẽ không đánh, vì sợ chết oan một người lương thiện như anh. Liệu có khi nào ông trời cũng bị cận như anh rồi nhìn nhầm không?
Nói rồi em cười, rũ hai hàng mi cong. Tôi chỉ biết kêu trời trong đầu, và thắc mắc có phải là em học chuyên ngành tâm lý không?!
4. Bắt chuyện một hồi tôi mới biết em là cư dân xã đảo Long Sơn. Như mèo mù vớ được cá rán, tôi xem em như thổ dân và ra sức bổ túc về nơi chuẩn bị tới.
- Anh nghe nói Long Sơn có đạo Ông Trần? Anh chưa nghe đạo này bao giờ. Ở đây toàn người họ Trần à, hay người theo đạo chuyên cởi trần?
- Không - cô gái sửng người bất ngờ với câu hỏi có vẻ như chẳng hiểu gì của tôi - Ông Trần tên là Lê Văn Mưu, người gốc Kiên
Giang, tham gia kháng Pháp, sau phải vượt biển về Bà Rịa lánh nạn. Ông đứng ra quy tập dân ở khắp nơi đến khai phá đất đai hình thành nên ấp Bà Trao, là Long Sơn ngày nay. Thấy ông thường cởi trần, tóc búi tó nên người dân gọi ông là Trần.
- Vậy đạo Ông Trần có gì đặc biệt?
- Ông Trần không đề ra triết lý mới, chỉ phát huy từ nền tảng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, tín đồ mặc quần áo bà ba, tóc búi tó hoặc để xõa tự nhiên, và tu… đâu cũng được.
- Tu đâu cũng được. Cái này hay.
- Đạo ông Trần có điểm khác nữa là không lập chùa miếu, không kinh kệ rung chuông gõ mõ, không ép buộc ăn chay. Và một số tập tục như viết liễn đón xuân, tang lễ không coi ngày giờ, chỉ để trong 24 giờ, đám cưới cũng không coi ngày mà chỉ chọn hai ngày là mùng một và mười sáu âm lịch.
- Ồ, cái này là không mê tín dị đoan đây. Vậy di tích từ xưa còn gì không em?
- Dạ đúng, đạo Ông Trần chủ trương không mê tín dị đoan. Quần thể di tích đạo ông Trần bắt đầu được xây dựng từ năm 1910, tới nay dù có xuống cấp nhưng hầu như vẫn còn được giữ nguyên, gồm nhiều công trình được chia thành ba khu: khu nhà thờ, khu lăng mộ và một quần thể với nhiều nhà chức năng khác nhau như trường học, nhà chợ, nhà mát, các dãy phố, nhà đèn, nhà bếp, nhà bảo tồn ghe Sấm…
- Như vậy anh tạm được xóa mù về đạo Ông Trần, nhưng đến đây thì được xóa đói bằng gì?
- Ý anh là đặc sản Long Sơn?
- Phải rồi. Long Sơn có gì là đặc sản không?
- Trông anh thư sinh vậy mà cũng thuộc họ hàng nhà Trư Bát Giới.
- Đàn ông, bất kể ngoại hình và xuất thân, một nửa não ở đầu, một nửa não còn lại nằm ở dạ dày.
- Long Sơn nổi tiếng nhất là con hàu. Ở đây có nhiều bè nuôi hàu cho khách du lịch vừa ăn uống vừa thưởng ngoạn bập bềnh sông nước. Nhưng đặc sản ít nơi có là một không gian thoáng đãng, thư thái. Tới đây cầu nối Long Sơn và Gò Găng sẽ hợp long, rồi khu lọc dầu xây dựng, có thể Long Sơn sẽ hóa rồng thật sự.
- Đến giờ thì anh phải hỏi là em học hướng dẫn viên du lịch à?
- Anh nghĩ vậy?
- Vì thấy em giới thiệu hay quá, có hồn.
- Không hẳn. Khi người ta nói về nơi mình sinh ra và lớn lên bao giờ cũng như nói về mình. Nói về mình thì tốt khoe ra xấu xa đậy lại.
- Giờ thì anh lại nghĩ em học ngành Ngữ văn. Nhưng dẫu em có che xấu xa thì anh vẫn thấy là mỗi lần chạy xe ngang qua ngã ba Long Sơn nghe mùi xác cá thật nồng nặc.
- Mùi xác cá là mùi phân giải protein đấy. Protein là cơ sở của sự sống.
Trời, đến đây thì tôi thầm nghĩ em học luật, nhưng mỗi khi vào nhà sách lại hay đọc ké sách chuyên ngành… sinh học.
5. Cứ tưởng những đoạn đối thoại giữa em và tôi còn được tung hứng xàng xê mãi không dứt thì bỗng dưng trời tạnh. Bất ngờ và nhanh còn hơn cả lúc mưa. Trời lại cao và xanh một cách lạ lùng. Ráo hoảnh. Không như mưa quê tôi, đỏng đảnh và lê thê, phải sướt mướt vài ngày mới xanh trong trở lại.
Tôi tính theo em vào Long Sơn để tìm… hang cọp (nhà em). Nhưng thời gian không cho phép. Mà các sách tâm lý bạn gái, sách dạy tán gái có nói trước những cô gái đẹp, thông minh và nhạy cảm như em thì phải biết kìm mình lại, không nên ẩu, kẻo xôi hỏng bỏng không. Chinh phục những người như vậy thật sự là một cuộc cách mạng, là cả một quá trình, không thể đốt cháy giai đoạn.
Em nói khi nào qua Long Sơn cứ tới Nhà Lớn, trước sau gì cũng gặp em, em sẽ giới thiệu kỹ hơn. Nhất là vào dịp lễ vía tức ngày giỗ Ông Trần, và Tết cửu trùng ngày 9 tháng 9 âm lịch hàng năm. Tôi nói lời cảm ơn em và để chắc tìm được em thì “cho anh xin số điện thoại”.
Em lên xe chạy một đoạn dài mà tôi vẫn đứng như trời trồng nhìn theo hướng xe em. Trời đã tạnh. Sấm chớp chẳng thấy đâu. Vậy mà tôi như bị sét đánh, bất động. Tôi tưởng tượng tôi và em đứng trên cây cầu nối Long Sơn qua Gò Găng ngày hợp long. Tôi thấy tôi và em bơi thuyền qua những rừng đước ngoài phía mấy bè nuôi hàu.
Giờ cũng sắp Tết rồi. Nhất định năm nay tôi sẽ xuất hành theo hướng Long Sơn. Năm nay năm con rồng. Đi Long Sơn là về với rồng núi. Tha hồ cả năm công việc sức khỏe thăng hoa như phượng bay rồng múa. Sợ phải chờ đợi lâu, tôi lôi điện thoại soạn tin nhắn gửi em, khởi động giai đoạn đầu của cuộc - cách - mạng - cá - nhân. “Hóa ra người lương thiện vẫn có thể bị sét đánh em ạ. Một luồng điện mạnh hơn cả chiếc búa của Thiên lôi đã giáng xuống anh, từ phía em”. Tin nhắn gửi đi mà tay tôi vẫn còn run run.
Tôi quay đầu xe chạy ngược cầu Bà Nanh về thị xã mà cứ thấy người trùng triềng chênh chao khó tả. Không phải do gió từ phía biển đang thổi lên. Hình như với tôi, xuân đã về sớm hơn từ đảo Long Sơn thì phải?!
(Sưu tầm)​
 
Back
Top