Hẹn yêu nơi phố cũ

heongaytho

New member
Hẹn yêu nơi phố cũ

Tác giả: Phong Linh

Thương tặng cô gái Hanoi của tôi

1.
Sài Gòn đã sang tháng tư. Gió rất nhẹ và trời xanh thăm thẳm. Không khí dễ khiến người ta vồ vập yêu. Nhưng Lâm vẫn ngồi lì trong quán cafe ấy, không muốn bước chân ra phố. Phố dài và rộng quá. Phố Sài gòn khiến bước chân nó hụt hẫng. Lá me vẫn bay đầy trên phố như cổ tích của mùa, nhưng nó không muốn bước ra phố.
Nó vào Sài Gòn đã gần ba tháng. Đã có vẻ quen với một Sài Gòn thất thường, xốc nổi, nhưng thẳng thắn, mạnh mẽ. Nhưng nó không quên được thành phố của mình. Nó đếm từng ngày ở Sài Gòn như cách đếm mùa hoa Hà Nội. Nó thèm và nhớ đến nôn nao. Mùa hoa bách hợp, tháng tư. Nó không biết phải trốn đi đâu để xóa đi cái cảm giác bay ngay ra phố vào mỗi buổi sáng Hà Nội để ngắm bách hợp. Nó chỉ biết trốn trong Wander cafe để lang thang với những suy nghĩ của mình.
Quán chỉ có mình nó. Giai điệu phiêu lãng của Lý miên man trong không gian nhỏ xinh ấm áp này. Nó nhắm mắt lại. Nghe Lý hát mà cảm giác như những giọt sương đang rơi thật nhẹ, thật trong trên những chiếc lá. Bỗng nhiên thấy mắt mình cay cay. Nước mắt chảy ra, ướt cả trang sách đang đặt trước mắt. Nó muốn gục đầu xuống. Muốn khóc nức nở. Muốn gục đầu vào phố Hà Nội mà khóc. Nhưng nó kìm lại được. Ở Sài Gòn người ta phải sống khác. Nó nhủ thầm với mình.
SMS từ Du “Hà Nội chờ....”. Nó nghe như một tiếng gọi, một tiếng giục giã.
Nó không nghĩ tiếp điều gì nữa. Nó lao ra khỏi quán cafe, phóng xe như bay về nhà. Nó dốc hết chỗ tiền tiết kiệm. Nhét vội vài bộ quần áo vào balo và đi. Chỉ hai giờ bay thôi nó sẽ có mặt ở Hà Nội. Khi định thần trên máy bay rồi nó mới bắt đầu nghĩ. Nó biết bố mẹ sẽ giận, rất giận. Sẽ trách móc. Sẽ cấm đoán. Sẽ rất nhiều.... Nó thở một hơi thật sâu và gửi tin nhắn cho bố mẹ “Con về Hà Nội vài ngày. Bố mẹ đừng lo” rồi tắt điện thoại. Mười bảy năm nay, chưa bao giờ nó làm điều gì trái ý bố mẹ. Chưa bao giờ nó dám làm điều gì khác đi ngoài cuộc sống mà ba mẹ đã vạch rõ ràng cho nó. “Đôi lúc người ta cũng cần nổi loạn để biết mình ra sao”. Nó hít một hơi thật dài rồi tự nhủ như vậy.
Sân bay nội bài. Hà Nội chiều có nắng. Lâu rồi nó mới được hít hà lại không khí thân thuộc của thành phố này. Cảm nhận cái vị đượm mùa loa kèn trong gió tháng tư. Nó mỉm cười, nhảy lên chiếc xe bus 07. Bây giờ nó mới bấm điện thoại gọi cho Du.
Du nhảy lên, sung sướng, ôm chầm lấy nó cứ như kiểu xa nó cả ba năm, hay ba mươi năm vậy.
- Bà đúng là điên. Nhưng tôi thích. Tôi khâm phục bà luôn đấy – Du thao thao bất tuyệt nói một hơi dài cứ như vẫn không dám tin vào sự thật. Không bao giờ cô tiểu thư chưa bao giờ đi xa một mình như Lâm lại có thể làm điều này. – Hay là tại mười bảy tuổi người ta hay điên? – Du hỏi.
- Ừa. Chắc vậy. Tin nhắn của bà chính là phát pháo khiến cơn điên của tôi nổ luôn đấy.
- Vậy giờ muốn đi đâu..... đi đâu nào? Hà Nội lại là của bà rồi đấy.
Lâm bữu môi: - Lúc nào Hà Nội cũng là của tôi hết. Đi Kim Mã ngắm bách hợp.
Chiếc xe máy của Du chạy chậm chậm dọc các con phố của Hà Nội. Gió trong veo. Nắng xanh ngát. Và bách hợp trắng tinh khôi. Nó vòng qua tay ôm chặt lấy Du.
- Tôi muốn bà gặp một người.
- Hử? Ai?
- Gia sư của tôi.
- Lại một anh chàng đẹp trai, học giỏi, hiền lành hử?
- Không.... Một anh chàng mà tôi tin rằng bà sẽ thích.
- .........
- Ngày nào tôi và Hà Nội cũng chờ bà.... – Tiếng Du bỗng dưng chùng xuống. Tôi rất nhớ bà.
- ......
- Không có bà ở đây, lúc nào tôi cũng thấy Hà Nội buồn và thiếu sao sao ấy. Sao chúng ta mười bảy tuổi rồi mà không thể được làm như mình muốn vậy bà? Tại sao người lớn không bao giờ hỏi xem tôi và bà thực sự muốn gì?
- Là bao nhiêu tuổi tôi cũng không được lựa chọn khác đi. Bố mẹ chỉ có một mình tôi.....
- Ừ....
Tiếng nói của Lâm và Du lẫn vào nhau, và tan dần trong phố cuối chiều.
2.
Chuyện Lâm tự ý bỏ về Hà Nội khiến bố mẹ nó không thể chịu đựng nổi. Họ không tin được rằng đứa con gái nhỏ chưa một lần dám đi đâu mà không được sự đồng ý hay hộ tống của bố mẹ lại có thể làm việc này. Những cuộc điện thoại liên tục gọi vào số máy của Lâm từ lúc nó lên máy bay nhưng không thể liên lạc được.
- Em đừng lo lắng quá. Chắc đang trên máy bay nên con không nghe máy thôi. Xuống máy bay có lẽ nó sẽ gọi. – Ông Cường trầm giọng trấn an vợ. Trong khi bà Phương không ngừng đi đi lại lại quanh nhà và bấm điện thoại.
Để thuận tiện cho công việc kinh doanh của công ty nên cuối năm vừa rồi ông bà quyết định chuyển hẳn vào Sài Gòn. Căn nhà ba tầng ở phố Hai Bà Trưng vẫn giữ lại và được thuê người trông coi. Mọi chuyện đều thuận lợi nhưng khi thông báo tin này cho cô con gái mười bảy tuổi của mình, ông bà mới sững sờ trước thái độ của con. Nó cúi đầu xập xuống, đứng lặng nghe bố mẹ nói.
- Con không muốn đi, con không muốn đi.
Lâm chỉ lẩm bẩm điều đó rồi chạy lên phòng. Lúc bây giờ nước mắt nó mới thực sự tràn ra. Nó khóc nức nở, mặc cho mẹ dỗ dành khuyên nhủ.
- Chỉ là chuyển đến một nơi mới thôi mà con. Rồi con sẽ quen với môi trường và các bạn mới. Sài Gòn cũng thú vị lắm con à.
Lâm biết nó không có quyền làm trái lại ý bố mẹ. Nhưng chưa bao giờ nó tưởng tượng nó sẽ phải rời Hà Nội mà đi. Mười bảy năm quá ngắn ngủi, nhưng mười bảy năm với nó là sự gắn bó sâu đậm với những cảm xúc trẻ dại, ngốc nghếch và cũng đẹp đẽ nhất. Từ nhỏ đến lớn chưa có lần nào nó xa Hà Nội quá một tuần. Cứ mỗi lần đặt chân đến một mảnh đất khác, Lâm luôn cảm giác bước chân lành lạnh, đơn độc. Cuộc sống vẫn xoay vần cùng những ồn ào ngoài kia, còn Lâm vẫn cứ cuộc tròn mình với những câu chuyện bé nhỏ của Hà Nội.
- Con có thể ở lại được không? – Lâm nói với mẹ bằng một giọng khẩn khoản.
- Ở lại. Con nói gì thế. Làm sao bố mẹ có thể để con ở lại một mình ở đây. Bố mẹ chỉ có mình con, bố mẹ ở đâu thì con phải ở đó chứ.
- Con đã lớn để có thể ở một mình và tự chăm lo cho mình được rồi mà. Bố mẹ có thể suy nghĩ thêm chuyện này không ạ?.
- Con..... Con đừng làm bố mẹ buồn bực và lo lắng thêm nữa. Nếu bố con mà biết chuyện này, bố con sẽ rất giận đấy.
Những câu nói của mẹ coi như đã quyết định. Lâm không có cơ hội để đàm phán gì nữa. Nó muốn gào lên trước mặt mẹ mình, rằng nó buồn lắm, buồn lắm. Sao bố mẹ không chịu hiểu cho nó. Nhưng nó chỉ im lặng. Nó lao ra khỏi nhà mặc cho tiếng mẹ gọi thất thanh.
Phố xá những ngày sau tết lành lạnh. Nó vòng hai vòng chiếc khăn len đỏ to sụ quanh cổ. Tự nhiên nước mắt cứ chảy ra. Phố Hai Bà Trưng những ngày này yên tĩnh lạ lùng. Hầu hết những cây bàng đã rụng lá đỏ để kịp thời những cơn mưa xuân cho một mùa trổ lá mới. Nhưng cây bàng sát ngõ nhà Lâm lá vẫn chưa chịu rụng. Lâm thích cây bàng ấy đến nỗi đêm nào cũng len lén ngồi ngoài banlcon ngắm nó. Cây bàng già nua lắm rồi, chưa bao giờ rụng lá đúng mùa. Những chiếc lá bàng đỏ lác đác còn lại trên cành khiến Lâm có cảm giác dễ chịu và ấm áp.
- Bà lên bờ hồ đi. Buồn quá.
- Lâm gọi cho Du.
- Đợi tôi một lúc đã. Mẹ đang làm lễ đầu năm.
- Bao lâu nữa? – Giọng Lâm xìu xuống. – Tôi buồn lắm. Nhanh lên được không?
Điện thoại kêu tút... tút. Mười phút sau Du đã có mặt ở bưu điện bờ hồ, với mái tóc tóc tung đến mức gần dựng ngược lên. Hai má đỏ ửng lên vì gió lạnh. Du chỉ mặc quần Jean, áo pull và khoác một chiếc áo len dài bên ngoài.
- Lên bờ hồ mặc thế này để mà co ro hả? – Dù tâm trí đang rối bời nhưng nhìn thấy Du mặc quá phong phanh, Lâm cũng phải lên tiếng.
- Ừa... Tại bà đấy. Chưa kịp nói gì đã tắt điện thoại đánh phụp một cái. Ai mà không vội.
- Đi dạo hồ đi...
- Này.... – Du nói rồi chìa tay ra đưa cho Lâm một ly nước. – Chocolate nóng của bà đây. – Du trề môi cười – Uống đi đã rồi nói cái gì thì nói.
- ...... Bà còn nhớ mua cho tôi nữa cơ à? – Lâm thực sự xúc động. Dù biết cứ lúc nào buồn cũng luôn được Du mua chocolate nóng để uống nhưng hôm nay sự quan tâm của bạn càng khiến Lâm buồn hơn.
- Ơ hay nhỉ.... Hôm nay có đứa lại cảm động chỉ vì một ly chocolate quá quen thuộc mới ghê chứ. Sao đấy?
Du và Lâm dắt tay nhau vòng quanh Hoàn Kiếm. Đây vẫn là được xem là chốn hẹn hò từ rất lâu của hai đứa. Bờ hồ những ngày tháng hai tĩnh lặng một màu nước xanh ngắt. Lâm vừa đi vừa chăm chú uống chocolate trong khi Du sốt ruột nhìn Lâm. Du đã rất quen với những trạng thái bất chợt đến thất thường của bạn, nhưng không hiểu sao hôm nay nhìn Lâm nó lại cảm thấy vô cùng lo lắng. Những lần trước buồn chuyện gì thì buồn nhưng cứ gặp Du là Lâm lại vui ngay. Lâm sẽ khóc lóc, sẽ nói một thôi một hồi, rồi đi ăn kem Thủy Tạ, ngồi ngắm bờ hồ là Lâm sẽ hết buồn. Vậy mà hôm nay Du đã đi theo Lâm tròn hai vòng hồ rồi mà vẫn không thấy nó nói gì.
- Tôi sắp xa Hà Nội rồi. – Mãi cho đến khi ly Chocolate trong tay đã cạn, Lâm mới lên tiếng.
- Vừa tết xong mà đã đi du lịch hửm? – Du dài giọng hỏi?
- .....
- Sao? Có mỗi vậy mà cũng phải buồn hử? Bà này đúng là điên. Không đi thì thôi. Ai bắt. Buồn cái gì mà buồn.
- Không.... Đi luôn..... Nhà tôi sắp chuyển nhà vào Sài Gòn luôn.
- Bây giờ thì đến lượt Du tròn mắt vì ngạc nhiên. Từ nãy đến giờ đang co ro vì gió lạnh, nhưng vừa nghe Lâm nói xong câu đó, Du bỗng thấy nóng ran cả người.
- Bà nói cái gì thế? – Du quay sang kéo lấy tay Lâm sẵng giọng hỏi.
- Bà nghe rõ rồi còn gì.
- Không... Tôi không nghe gì cả.
- Du ôm lấy vai Lâm hét lên. – Sao đột ngột quá vậy.
- Ừa. Đã xong hết rồi. Nhà trong Sài Gòn cũng đã mua. Giờ chỉ đợi bố tôi chuyển giao xong công việc ngoài này là đi.
- ........
- Chắc chỉ hết tháng một âm lịch sao í. – Lâm nhỏ giọng. – Tôi phải làm gì bây giờ?.
Lâm nhìn Du hỏi câu ấy nhưng cũng như hỏi chính mình. – Tôi điên mất thôi. Bố mẹ bà nghĩ thế nào mà ở Hà Nội đang yên đang lành lại chuyển vào trong Nam làm gì chứ. Lại còn chẳng thèm hỏi ý kiến mình xem sao. Lại còn... Trời ạ, Giời ạ, giờ làm sao đây. Giời ơi là giời....
Điệu bộ rối rít, kêu trời kêu đất lo lắng nhưng kiểu cách hài hước của Du khiến Lâm đang buồn mà cũng phải bật cười. – Haaaaaaaaaa. Đã chịu cười rồi cơ đấy. Tôi nói cho bà bao nhiêu lần rồi. Cái mặt bà mà xị ra thì đúng là..... là gì nhỉ.... là trông như cái bánh đa nhúng nước ấy. Không ai nhìn nổi đâu. – Du vừa nói vừa đưa bàn tay lạnh buốt của mình sờ lên mặt, lên mắt Lâm – Xem này, cái mắt thâm quầng rồi... Xấu xí quá thôi cô tiểu thư ơi....
- Tôi mà xấu xí thì bà là bà ngoại của xấu xí. Hé hé. Lâm làm bộ vùng vằng kiêu kì.
Hai đứa lại lôi nhau đi. Tiếng cười nhen lên, nhưng cả Du và Lâm đều biết rằng có một khoảng trống đang nứt ra, càng lúc sẽ càng to hơn. Thời gian bên nhau giữa thành phố của hai đứa còn thật ít ỏi.
3.
Lâm gọi điện cho bố mẹ khi hai đứa phóng xe về đến ngõ nhà Lâm trên phố Hai Bà Trưng. Căn nhà ba tầng trông chẳng khác gì so với ba tháng trước khi gia đình Lâm đi. Bây giờ trong nhà chỉ còn cô giúp việc, vẫn được trả lương hàng tháng chỉ để trông coi và lau chùi nhà cửa. Bố mẹ Lâm muốn giữ lại ngôi nhà này vì đây là căn nhà mà ông bà nội đã để lại.
Lâm kéo Du ngồi cạnh gốc bàng trước ngõ. Lá bàng giờ đã xanh non cả rồi.
- Mẹ à!!!! – Lâm ấp úng trong điện thoại.
- Con đang ở đâu? – Tiếng mẹ Lâm hốt hoảng, sốt ruột. – Con....
- Con đang ở trước nhà mình. Mẹ ơi, bố đâu.... bố giận lắm phải không ạ?
- Con còn hỏi nữa sao? Bố con đang tính gọi điện đặt vé máy bay về Hà Nội tìm con đấy. Con thật sự làm bố mẹ thất vọng quá.
- Mẹ... Mẹ nghe con nói đã.
- Bố đây.... Con còn có gì định nói sau khi đã làm một việc quá thiếu suy nghĩ như vậy.
- Bố... Con xin lỗi – Giọng Lâm thực sự hối lỗi – Nhưng con rất nhớ Hà Nội, con rất nhớ ngôi nhà cũ của mình. – Lâm nói giọng nghẹn ngào chực khóc.
- Được rồi. Ngày mai bố sẽ bay về Hà Nội đón con.
- Bố ơi. Bố đừng về. Con ở nhà còn có cô Hoa mà. Con chỉ ở chơi mấy ngày thôi. Con hứa sẽ vào Sài Gòn sớm. Bố mẹ đừng về.
- Con....
- Bố.... Bố tin con một lần thôi được không bố?
- ..........
- Bố.....
- Thôi được. Bố sẽ suy nghĩ. Giờ con vào nhà đi. Bố sẽ gọi cho cô Hoa.
- Vâng...
Lâm không hề cảm thấy mệt mỏi hay buồn bực vì những điều bố mẹ đã nói, vì nó cảm thấy hình như bố mẹ cũng không còn trách nó nhiều nữa. Nhưng điều quan trọng hơn khiến Lâm cảm thấy thực sự dễ chịu chính là được ngồi trước cổng nhà mình, hít thở không khí trong thành phố của mình. Cảm giác thân thuộc mà ba tháng nay nó loay hoay tìm kiếm.
 
- Thật tuyệt bà ạ.
Lâm và Du ngồi rất lâu, đến tận lúc này, sau một buổi chiều la cà, Lâm mới được ngắm cô bạn thân của nó thật kĩ. Ngắm cho thỏa thích thôi chứ thực ra chỉ có ba tháng thôi mà, Du vẫn như vậy thôi. Khuôn mặt hơi gầy và làn da rám nắng. Giầy thể thao đi ba năm chẳng thèm rách. Quần jeal và áo phông rộng kiểu nam. Nhìn Du và cách ăn mặc của Du chẳng ai nghĩ Du là con gái của một giám đốc ngân hàng giàu có.
Du không ưa bố. Lâm cũng vậy. Bố Du là một người đàn ông giỏi giang và có vị trí ngoài xã hội. Nhưng ông chỉ như một người khách qua đường ghé quán trọ trong chính gia đình của mình. Ngày Du năm tuổi bố dẫn về một đứa trẻ hai tuổi. Đứa trẻ có đôi mắt tròn xoe, bàn tay bé xíu. Đứa trẻ ấy là kết quả của một cuộc trao đổi mà chính mẹ Du cũng đồng ý. Dù mãi sau này Du mới biết điều đó nhưng ngay từ nhỏ Du đã rất yêu đứa em trai bé bỏng của mình. Đó cũng là người bạn đầu tiên của Du. Du yêu nó còn hơn chính bản thân mình.
Du và Lâm khác hẳn tính nhau, nhưng càng chơi lại càng không thể tách nhau ra được, cứ như có lực hút từ phía nhau vậy. Du là người duy nhất từ trước đến giờ có thể đem đến cho Lâm cảm giác tin tưởng tuyệt đối. Du dứt khoát và quyết liệt. Du chín chắn và mạnh mẽ. Du lạnh lùng nhưng ấm áp. Lâm cảm nhận rõ ràng điều đó từ Du. Ngay từ những ngày đầu vào lớp mười.
Cô giáo xếp hai đứa ngồi cạnh nhau. Buổi đầu tiên vì tự nhiên muốn mặc áo dài trắng bước trên phố nên Lâm đến trường khi chỉ còn mấy phút nữa là vào lớp. Đang nhốn nháo vì chưa tìm được chỗ ngồi thì thấy một cô bạn bàn thứ tư dãy trong cùng vẫy lại gần:
- Ê....
- Ấy gọi tớ à? – Lâm ngơ ngác nhìn cô bạn đang chóp chép nhai kẹo cao su. Trông cái vẻ xấc xược của cô bạn thật khó ưa – Lâm nghĩ.
- Ừa, chỗ của ấy ở đây này.
- Cô bạn cùng bàn cả ngày chẳng nói câu nào, chỉ chăm chú vào sách vở của mình khiến Lâm cảm thấy hơi ngại. “Cùng lớp mà không chịu cởi mở làm quen thì sao được... Chán quá”. Lâm quay sang rụt rè đụng tay cô bạn cùng bàn:
- Ấy tên gì?
- Du.
- Nhà ấy ở đâu?
- .....
- À,.......
- Tự nhiên Du bật cười. - Sao mà đỏ hết cả mặt lên vậy. Sợ tớ á?
- Không phải. Tớ thấy ấy.... ấy.... thấy ấy hơi khó bắt chuyện.
- Ha ha... Có gì mà phải bắt chuyện. Ra chơi xuồng căng tin ăn kem nhé.
- ....... Hử? À.... Ừm... Oki luôn.
Xong cuộc đàm phán đầu tiên, Du và Lâm đã ngay lập tức thân nhau. Du nói rất nhiều, nhưng lâu dần Lâm nhận ra rằng Du rất ít nhắc về gia đình mình. Nếu không phải có một lần Lâm tình cờ gặp Du và em trai trong một quán kem gần trường thì có lẽ Lâm sẽ không bao giờ biết được rằng Du có một cậu em trai.
Du cũng rất hiếm khi khóc trước mặt Lâm, ngay cả khi bị trượt trong cuộc thi vào đội tuyển học sinh giỏi đi thi vẽ tranh toàn thành phố. Là một mơ ước và phấn đầu rất lâu của Du, nhưng nó cũng chỉ ngồi im lặng. Du là như vậy.
- Bà muốn khóc thì cứ khóc chứ việc gì mà phải cố. – Lâm nắm chặt tay Du trong tay mình và nói.
- Không. Tôi thấy không có gì phải khóc cả.
- .........
Lần nào Du cũng nói như vậy nên Lâm lúc nào cũng trêu Du là “bà già khó tính”; “bà già sắt đá”. Vậy mà vừa hè năm lớp mười thôi, Lâm đã phải sững sờ khi nhìn thấy Du khóc nức nở như một đứa trẻ con khi Hoàng Anh bị ngộ độc thức ăn phải cấp cứu trong bệnh viện để rửa ruột. Du ở lại bệnh viện trông em, tay cứ nắm lấy tay Hoàng Anh lay lay rồi trò chuyện.
Đêm trong bệnh viện. Hai đứa ngồi ngoài hành lang nói chuyện trắng đêm. Một năm chơi với nhau, lần đầu tiên Du mới kể cho Lâm nghe về gia đình. Đêm Hà Nội hôm đó yên tĩnh chẳng khác gì đêm hôm nay khi hai đứa ngồi ngoãi ngõ nhà Lâm. Chỉ khác là hôm nay hai đứa ngồi im lặng nhiều hơn. Không phải vì Lâm mệt sau chuyến bay mà vì tự nhiên hai đứa lại cảm thấy trong không gian này, khi chúng ngồi cùng nhau ở Hà Nội thì như vậy đã là quá đủ rồi. Lời nói chỉ khiến cho cảm giác hạnh phúc nhạt bớt đi mà thôi.
- Này.... – Mãi sau Du mới lên tiếng – Lạnh không?
- Ôi.... cảm động chưa này. Bà biết quan tâm đến từng... chi.... tiết... nhỏ bé như vậy từ lúc nào thế? – lâm quay sang nhìn Du nói bằng một giọng trịnh trọng trêu chọc.
- Hứ.... Không muốn thì thôi. Tôi á... Tại tôi thường bà vừa làm một hành trình dài hai đầu đất nước nên hỏi thăm giả vờ tý thôi. Lời nói không mất tiền mua mà .....
- Tôi giận. – Lâm lại quay mặt đi làm bộ giận dỗi.
- Ê....giận thật á. Nói đùa mà. Trẻ con quá. Tôi sợ bà mệt thật.
- Vâng.... Biết rồi. – Lâm bữu môi nói.
Lâm nói rồi kéo Du đứng dậy. Giờ tôi với bà vào nhà đi ngủ. Chà chà.... Tôi muốn nằm trên cái giường của tôi và ngủ một giấc ngon lành đến sáng mai quá.
- Tôi về nhà đã. Mai viết giấy nghỉ học đi chơi với bà. À, sáng mai đi gặp anh bạn tôi nhá.
- Ai?
- Anh gia sư mà tôi nói với bà lúc chiều ấy.
- À... Ừa... nhớ rồi.
- Về đây.
- Khoan đã.
- Sao?
- Lâm không nói nữa mà quay ra ôm chặt lấy Du. – Tôi nhớ bà lắm.
- Bà đúng là mẹ của sến.
- Ha ha. Ừa.... Ừa.... thế mới là bạn của bà.
Đêm lác đác mưa. Lâm mở cổng bước vào nhà. Vừa nhìn thấy cô giúp việc Lâm đã chạy lại reo lên: - Cháu đã về nhà rồi đâyyyyyyy!!!!
Lâm chạy rồi nhảy chân sáo khắp các phòng trong ngôi nhà. Cảm giác gặp lại nơi thuộc về mình thật là thích.
Lâm kéo rèm cửa ra rồi nhảy ngay lên giường. Ngoài trời vẫn còn mưa. Mưa tháng tư lâm thâm, rả rích, và dịu dàng biết bao nhiêu.
4.
Vừa sáng sớm Lâm đã giật mình tỉnh giấc, vì quen với giấc đi học sáng. Giật mình, Lâm chạy vội ra ngoài cửa sổ nhìn xuống phố, để tin chắc chắn rằng nó vẫn đang ở Hà Nội.
Lâm mở laptop, treo status mới trên facebook: “Hà Nội, sáng tháng tư, loa kèn trắng tinh khôi nhé. Với mình đó là cảm giác tuyệt vời nhất”, với một icons mặt cười. Nó lướt qua một lượt status trên wall của những người bạn rồi tắt máy.
- Xuống ăn sáng đi Lâm. – Tiếng cô giúp việc gọi.
- Vâng, cháu xuống ngay đây.
Lâm mặc chiếc váy maxi dài qua đầu gối. Đeo chiếc dây cổ dài màu nâu sẫm hình chiếc lá to bản làm nổi bật lên nước da trắng hồng. Lâm cầm vội chiếc túi sách rồi chạy xuống nhà. Trông nó lúc nào cũng giống hệt như một cô tiểu thư. Từ nhỏ Lâm đã có vẻ trầm hơn nhiều những người bạn cùng tuổi. Lâm được bố mẹ cho đi học đàn piano cung thiếu nhi. Ngoài thời gian đi học, nó chỉ ở nhà tập đàn và đọc sách. Đó là hai việc bắt buộc mà bố mẹ yêu cầu nó phải làm, đều đặn hàng ngày, 3 giờ tập đàn và 2 giờ đọc sách. Rất hiếm khi họ cho nó ra ngoài. Lúc đầu Lâm khóc thét lên vì những điều bố mẹ yêu cầu, nhưng rồi dần dần bỗng dưng nó lại yêu cây đàn piano của mình. Khi buồn, nó cứ đàn mãi, đàn mãi đến khi thật mệt mới thôi. Bản nhạc mà Lâm thích nhất và thường đàn nhất là bản Sky của Yiruma.
“Ngày nào tôi cũng mơ, mơ mình được bay trên bầu trời bà ạ. Mỗi lần ngồi đàn, từng nốt nhạc vang lên đều khiến tôi có cảm giác tôi đang bay lên. Lạ lắm...”. Lâm đã có lần nói với Du như vậy khi Du hỏi về bản nhạc mà nó thích nhất.
Lâm ngồi xuống ngắm nhìn cây đàn rất lâu mới mở nắp và bắt đầu bản nhạc. Sky vang lên như mở ra cả một bầu trời rộng lớn. Nó đàn say sưa đến nỗi không biết Du đã đến bên cạnh mình từ lúc nào. Cho đến khi tiếng vỗ tay vang lên:
- Tôi đến rồi này. – Du vỗ mạnh vào vai nó, cười toe toét. Chưa kịp để Lâm phản ứng gì đã đặt luôn xuống phím đàn piano một bó bách hợp trắng mướt, chúm chím nụ. – Hoa tặng bà đây.
- Sang sớm thế? Không đưa Hoàng Anh đi học à?
- Mẹ tôi đưa đi. – Du vừa nói vừa chạy ra tủ lớn mở cánh cửa lấy chiếc bình pha lê to màu tím mang xuống bếp. Cô Hoa lăng xăng đem bó hoa chực cắm nhưng Du ngăn lại. – Để cháu cắm cho cô.
- Thôi rồi.... – Lâm bất chợt nói to, hốt hoảng như vừa phát hiện được chuyện gì.
- Gì thế... – Du vừa cắt hoa vừa quay về phía lâm hỏi.
- Nghi lắm... nghi quá – Lâm đưa tay lên chống cằm, nheo nheo đôi mắt vờ nghiêm chỉnh như đang suy nghĩ điều gì, rồi cứ đi vòng quay chỗ Du đang cắm hoa mà lẩm bẩm.
- Bà làm cái gì đấy hả? – Du phì cười với điệu bộ của Lâm.
- Khai thật mau. Bà đang....
- Đang cái gì?
- Đang yêu phải không? – Lâm oang oang nói. – Khai mau.
- Yêu gì?
- Sao tôi thấy bà lạ quá. Mới ba tháng trước bà lúc nào cũng tôi không làm đâu. Hoa mới hoét. Rồi gì nữa nhỉ... Tôi không thích.... Haizzzzzzz. Mà sao giờ thay đổi đột ngột quá vậy.
- Hứ.... ngày xưa ta vẫn ngoan hiền thế này chứ. Tại ta chưa thích trổ tài thôi nàng ạ.
- Khai thật đi mà. – Lâm năn nỉ. Trong khi Du chỉ cười và tiếp tục chăm chú vào bình hoa bách hợp của mình.
Hình ảnh một đứa con gái mặc chiếc quần Jeal rách te tua với chiếc áo rộng thùng thình ngồi cắm hoa thật đúng là hiếm có. Du đã từng nói với Lâm “những việc này chỉ hợp với một đứa tiểu thư như bà thôi”. Lâm chưa từng một lần nào thấy Du cắm hoa. Việc duy nhất mà Du làm, thích làm và luôn làm đó là vẽ. Du bỏ cả học để lê la vỉa hè mà vẽ. Những thứ Du vẽ ra thường là những thứ mà chẳng ai để ý đến. Du vẽ những tàn thuốc lá, những chiếc ghế đã gãy, những bức tường sắp đổ,.... Bức tranh nào Du cũng nguệch ngoạc bằng chì đen. Du thích vẽ màu chì. Gần như chỉ vẽ bằng màu chì. Rất ít khi Du sử dụng màu nước. Bố mẹ Du không nghĩ đó là tranh vẽ, họ coi nó là những mảnh giấy nháp nham nhở mà thôi. Nhưng Du chẳng bao giờ quan tâm đến chuyện đó. Dù ai nói gì thì hình như chưa bao giờ Du băn khoăn xem tại sao họ lại nói như vậy. Từ nhỏ Du đã chỉ làm theo những gì nó tin. Vậy thôi.
Du vẫn luôn có hai khán giả trung thành, chờ đợi để xem những bức tranh của Du, đó là Lâm và Hoàng Anh. Lâm thích những bức tranh ấy bởi chúng mang đến cho Lâm những cảm giác gần gũi, thân thuộc về Hà Nội của hai đứa. Quan trọng hơn là chúng khiến Lâm hiểu Du, thực sự hiểu. Còn Hoàng Anh thích tranh của Du bởi vì Du là chị. Cậu nhóc mười hai tuổi ấy chỉ yêu Du nhất.
Căn phòng nhỏ của Du trên tường không còn một chỗ trống nào, chỉ treo tranh là tranh. Lâm và Du nhiều khi cứ nằm hàng giờ như vậy mà nhìn những bức tranh đen trắng treo trên tường.
- Bà nhất định sẽ trở thành một họa sĩ nổi tiếng. – Lần nào Lâm cũng nói như vậy với một giọng điệu rất hãnh diện và tin tưởng.
Du luôn cười rất tươi khi nghe những lời đó, nhưng thực tâm Du không tin vào điều đó. Du chỉ biết vẽ cho mình, vẽ những gì mình thích, những thứ rất nhỏ bé. Và chẳng ai thích nó. Kết luận này đã được chứng minh trong lần thi vẽ toàn thành phố rồi đấy thôi.
Lâm biết Du vẫn chưa hết buồn vì lần thất bại đầu tiên ấy, nhưng với Lâm, Du đã là họa sĩ thực sự rồi. Nghiệp dư và bốc đồng với những điều mình yêu. Cảm xúc thật thà khi vẽ đã là điều quan trọng nhất. Cũng giống những khi Lâm chơi đàn thôi. Nếu Lâm quá chú trọng đến kĩ thuật để Lâm thường bỏ rơi cảm xúc của mình, những nốt nhạc chính xác, nhưng không đẹp. Còn khi Lâm chỉ chuyên chú vào cảm xúc của bản nhạc, dù Lâm có đàn lỗi một nốt nhạc, thì có thể sẽ không ai phát hiện ra, vì tâm trí người nghe đã bị cuốn theo cảm xúc dạt dào của âm thanh.
- Đã xong. – Tiếng nói của Du khiến Lâm giật mình thoát khỏi suy nghĩ của mình.
Lâm bê lọ hoa Du vừa cắm xong lên phòng của mình, đặt trên bàn học bên cạnh cửa sổ, và kéo rèm lên. Ánh nắng vàng nhạt còn hơi lạnh của tháng tư xòa xuống cửa sổ len lỏi từng tia nhỏ mong manh vào trong căn phòng. Chút nắng sáng khiến những bông hoa loa kèn tươi lên, như gương mặt ửng hồng của những cô gái mới lớn. Lâm cười mãn nguyện. Những bông loa kèn thật kì diệu.
Hai đứa hì hụi lau chiếc xe đạp của Lâm rồi chạy ra phố. Chiếc xe đạp này chỉ dùng cho những lúc hứng khởi, muốn loanh quanh phố Hà Nội của Lâm. Nó được bố mua tặng vào dịp sinh nhất năm mười lăm tuổi. Chiếc xe mini Nhật có cái giỏ xe màu hồng xinh xinh. Lâm thích nhất là được đạp xe từ nhà mình lên đến bờ hồ. Đạp vài vòng quanh bờ hồ vào những buổi chiều là thích nhất. Những buổi tối nhiều khi đi học đàn piano ở lớp, Lâm cũng đòi tự mình đạp xe đi.
- Tôi chẳng muốn đi nữa. – Lâm thỏ thẻ.
- Hay tìm cách gì đi. Tôi thấy bà ở đấy cũng có cô Hoa chăm sóc. Mà... tôi chỉ sợ lúc đó bà lại nhớ bố mẹ.
- .......
- Mà thôi, cứ từ từ rồi mình sẽ tính. Giờ làm gì nhỉ.
- Đi uống chocolate say.
- Mà....
- Hử?
- Tôi hẹn bạn cùng đi rồi nhé. Anh ấy nói lên Hanoi house bà ạ.
Lâm tròn mắt, vỗ nhẹ vào lưng Du: - Hanoi house hử. Okayyyyyyyy thoai. Lên đó ngắm nhà thờ luôn. Thích quá. Thích quá.
- Ừa..
- À mà, anh chàng này có gì đặc biệt sao mà cứ bắt tôi gặp nhỉ?
- Cứ gặp rồi biết thưa nàng.....
- Tò mò ghê. – lâm nhăn nhó.
Quán cafe “hanoi house” nằm sâu trong con hẻm trên phố Lý Quốc Sư, gần nhà thờ. Cả Du và Lâm đều thích ngồi ở đây, với những chiếc bàn cũ nhỏ xíu. Sáng lên thật sớm để chạy giành lấy chỗ ở ngoài banlcon có hàng cây xanh mướt và nhìn thẳng ra phía nhà thờ cổ kính. Lâm thích ngồi ở đây hàng giờ liền, lẩm nhẩm những bản nhạc piano phát từ chiếc DVD cũ kĩ. Du thì lí lắc hết chụp lại vẽ, vẽ rồi lại chụp. Hai đứa tưởng chừng chẳng bao giờ liên quan đến nhau nhưng cứ ngồi như thế mãi có lẽ cũng không hề biết chán.
 
Back
Top